Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi cách thức con người làm việc và kết nối với nhau, tác động mạnh mẽ vào lĩnh vực cơ điện tử. Dây chuyền tự động hóa, xe tự lái, robot… chính là các hướng phát triển của Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử. Vậy Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử là gì, sinh viên học ngành này có cơ hội việc làm như thế nào?
Nhờ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ tự động hóa – robot hóa đã trở thành xu hướng trong mọi lĩnh vực sản xuất công nghiệp hiện nay, nơi mà robot đang dần thay thế lao động phổ thông nhằm tăng năng suất, cải tiến chất lượng sản phẩm… Đặc biệt, công nghệ xử lý trong các thiết bị thông minh như smartphone, smart-home, smart-city… cũng được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Tất cả những ứng dụng đó đều yêu cầu ở mức rất cao về công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, từ đó mở ra cơ hội phát triển ngành mới cũng như triển vọng nghề nghiệp hấp dẫn trong lĩnh vực này. Vậy Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử là gì, sinh viên học ngành này có cơ hội việc làm như thế nào?
Ngành Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử là gì?
Hiện nay, các công ty điện tử như Samsung, LG Electronics, Samsung… đã tự động hóa các dây chuyền sản xuất linh kiện, máy móc. Bên cạnh đó, các tập đoàn lớn trong lĩnh vực may mặc như Uniqlo cũng vận hành các cánh tay robot phân loại, đóng gói, gấp quần áo nhằm cắt giảm nhân lực làm việc tại nhà kho của công ty. Robotics, cơ khí chính xác, dây chuyền sản xuất tự động chính là những ví dụ điển hình của ứng dụng Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử.
Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử là lĩnh vực liên ngành giữa điện – điện tử, cơ khí, công nghệ thông tin và các thuật toán điều khiển thông minh. Mỗi ứng dụng của cơ điện tử đều được tích hợp tất cả các yếu tố trên nhằm phát triển tư duy hệ thống trong thiết kế và phát triển sản phẩm, công nghệ mới có những tính năng vượt trội.
Học Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử ở USTH có gì đặc biệt?
Chương trình cử nhân Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử tại USTH đào tạo theo chuẩn quốc tế trong 3 năm, theo 2 định hướng chính: Cơ điện tử và robot; hệ thống sản xuất và logistics.
Sinh viên được trang bị kiến thức cơ sở về khoa học và công nghệ trong nhiều lĩnh vực khác nhau, làm nền tảng giúp sinh viên nắm bắt kiến thức chuyên ngành Cơ điện tử như thiết kế, thuật toán và lập trình, điện tử, điều khiển tự động, hệ thống đo lường và điều khiển thông minh, hệ thống điều khiển nhúng, robotics, sức bền vật liệu…
Chương trình được giảng dạy 100% bằng tiếng Anh bởi các giảng viên, chuyên gia đến từ Việt Nam và Pháp, mang đến cho sinh viên kiến thức thực tế thông qua nhiều hoạt động xuyên suốt quá trình học nhờ mạng lưới hợp tác chặt chẽ của USTH với các trung tâm nghiên cứu và doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Các hoạt động trải nghiệm thực tế của chương trình Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử:
Các dự án cá nhân: tìm hiểu về môi trường kinh doanh chuyên nghiệp, kiến thức chuyên môn và quá trình thực hiện dự án.
Tham gia các dự án với sự hướng dẫn của các giảng viên, nghiên cứu viên để hiểu rõ phương pháp quản lý dự án.
Khóa kiến tập hè ít nhất 6 tuần tại doanh nghiệp nhằm khám phá các hoạt động thực tế, chức năng, nhiệm vụ và sự tương tác giữa các bộ phận trong các công ty cũng như sự phối hợp cùng các doanh nghiệp khác.
Thực tập tốt nghiệp ít nhất 3 tháng tại các trung tâm nghiên cứu và doanh nghiệp đối tác của USTH trong và ngoài nước.
Qua đó, sinh viên không chỉ có được kiến thức thực tế mà còn được rèn luyện tư duy phản biện, tác phong làm việc chuyên nghiệp và các kỹ năng mềm như thuyết trình khoa học, phương pháp viết báo cáo khoa học, giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo để tự tin gia nhập thị trường lao động quốc tế.
Ngoài ra, sinh viên được học lý thuyết kết hợp với thực hành trong phòng thí nghiệm chuẩn quốc tế với trang thiết bị hiện đại, tân tiến.
Học ngành Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử ra trường làm gì?
Sinh viên tốt nghiệp chương trình cử nhân Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử có nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn như:
- Kỹ thuật viên thiết kế, lập trình, vận hành, bảo trì các thiết bị phần cứng, phần mềm tại các trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp có trang bị các hệ thống máy móc, dây chuyền tự động;
- Chuyên viên tư vấn về công nghệ, thiết kế, lập trình, thi công và chuyển giao các dây chuyền, hệ thống tự động;
- Chuyên viên tại các ban quản lý dự án, cơ quan quản lý Nhà nước về công nghiệp;
- Cơ hội thăng tiến lên vị trí chuyên viên quản lý, giám sát kỹ thuật, Giám đốc kỹ thuật tại các doanh nghiệp;
- Tiếp tục học lên Thạc sĩ, Tiến sĩ tại các địa điểm nằm trong mạng lưới hơn 40 trường đại học và tổ chức nghiên cứu ở Pháp.
- Cơ hội trở thành cố vấn, giảng viên hay nhà nghiên cứu tại một trong những cơ sở đối tác của USTH.