Theo báo cáo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), Việt Nam được dự báo sẽ nằm trong Top 5 thị trường hàng không có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2015 – 2035. Sự phát triển mạnh mẽ này phản ánh nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không tại Việt Nam ngày càng tăng cao, mang lại nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn trong lĩnh vực hàng không. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn nhân lực trong ngành này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng, tạo ra một thách thức lớn trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ và phát triển bền vững.
Đặc biệt, sau giai đoạn phục hồi từ đại dịch Covid-19, các hãng hàng không tại Việt Nam đang triển khai nhiều kế hoạch mở rộng quy mô đội tàu bay, đi kèm với việc xây dựng hệ thống hangar bảo dưỡng hiện đại. Một ví dụ điển hình là tại sân bay Long Thành, mỗi hangar của Vietnam Airlines có diện tích khoảng 1 hecta, đòi hỏi sự tham gia của khoảng 300 nhân viên bảo dưỡng và sửa chữa tàu bay. Điều này cho thấy nhu cầu lớn về nhân lực chuyên môn trong lĩnh vực bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và các hoạt động liên quan, mở ra cơ hội nghề nghiệp rộng lớn cho nhiều người lao động.
Từ năm 2018, để góp phần giải quyết bài toán thiếu nhân sự kỹ thuật chất lượng cao, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) đã triển khai chương trình đào tạo Đại học ngành Kỹ thuật Hàng không. Chương trình đào tạo được xây dựng và triển khai với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Tập đoàn Airbus và hợp tác toàn diện với Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Công ty TNHH Kỹ thuật máy bay (VAECO), Trường Hàng không dân dụng quốc gia Pháp (ENAC) và Tổ chức chuyển giao chương trình Hàng không – Vũ trụ Pháp (Bricks by Aerospace Valley).
Mục lục
1. CHƯƠNG TRÌNH GIẢNG DẠY
Chương trình giảng dạy được thực hiện 100% bằng tiếng Anh, gồm các nội dung nghiên cứu lý thuyết và thực hành cơ bản, tập trung vào các mảng: bảo trì tàu bay và hệ thống, kiểm tra & hỗ trợ kỹ thuật, chất lượng & tình trạng máy bay và hoạt động hàng không. Chương trình được xây dựng bài bản, với sự tham gia của các giáo sư đầu ngành trong và ngoài nước, cùng sự cố vấn của các công ty/tập đoàn dẫn đầu trong lĩnh vực Hàng không tại Việt Nam và Pháp.
Tại khoa Hàng không của USTH, đội ngũ giảng viên tâm huyết với nghề, được đào tạo bài bản; các phương pháp giảng dạy tiên tiến được sử dụng, nhấn mạnh vai trò trung tâm của người học. Giảng viên thường xuyên nêu các vấn đề thực tế, giả định để người học cùng trao đổi, giải quyết thông qua các buổi thuyết trình báo cáo bài tập lớn, các chuyên đề được giao trong quá trình học và giờ tham gia hoạt động tại phòng thực hành.
Điểm khác biệt tại USTH là sự tham gia của các chuyên gia đến từ các doanh nghiệp ngành Vận tải Hàng không như Vietnam Airlines, VAECO, Bamboo Airways, Vietjet Air, HaiAu Aviation, AESC… trong hoạt động giảng dạy, đánh giá kết quả học tập và thực tập của sinh viên.
Tại USTH, sinh viên có thể lựa chọn chuyên ngành đào tạo phù hợp với định hướng phát triển nghề nghiệp của bản thân. Theo đó, hiện có 03 chuyên ngành đào tạo: Kỹ thuật Vận hành, Kỹ thuật Bảo dưỡng, Kỹ thuật Bảo dưỡng đạt chứng chỉ B1/B2 cơ bản.
Các chuyên ngành đào tạo tại khoa Hàng không
1.1. Kỹ thuật vận hành:
- Thời gian đào tạo: 3 năm tại USTH.
- Học phí: 100 triệu VNĐ/năm
- Hoàn thành 180 tín chỉ và nhận bằng cử nhân Kỹ thuật Hàng không.
- Các môn chuyên ngành tiêu biểu: vận hành bay, an toàn bay, giám sát bay, điều hướng và liên lạc, quản lý không lưu, quản lý dự án, quản lý hãng hàng không…
1.2. Kỹ thuật bảo dưỡng:
- Thời gian đào tạo: 3 năm tại USTH.
- Học phí: 100 triệu VNĐ/năm
- Hoàn thành 180 tín chỉ và nhận bằng cử nhân Kỹ thuật Hàng không
- Các môn chuyên ngành tiêu biểu: khí động lực học, cơ học bay và điều khiển bay, kết cấu hàng không, hệ thống lực đẩy, thiết kế và bảo dưỡng máy bay…
1.3. Kỹ thuật bảo dưỡng và B1+B2:
- Thời gian đào tạo:
– 3 năm tại USTH: Hoàn thành 180 tín chỉ và nhận bằng cử nhân Kỹ thuật Hàng không.
– 10 tháng tại VAECO: Hoàn thành nội dung bổ sung cho 15 modules theo chương trình B1+B2 của VAECO (tương đương 60 tín chỉ) và nhận chứng chỉ B1+B2 do VAECO cấp.
- Học phí: 125 triệu VNĐ/năm
- Các môn chuyên ngành: bao gồm toàn bộ nội dung chương trình Kỹ thuật bảo dưỡng và bổ sung 1329 giờ (gồm 284 giờ lý thuyết và 1045 giờ thực hành) đào tạo chuyên sâu về các hệ thống trên máy bay và thực hành bảo dưỡng để nhận chứng chỉ B1+B2.
VAECO là tổ chức duy nhất được Cục Hàng không Việt Nam (CAAV) phê chuẩn đào tạo và cấp chứng chỉ B1/B2 tại Việt Nam. Hiện nay, USTH là cơ sở đào tạo đại học duy nhất tại Việt Nam có thỏa thuận hợp tác đào tạo với VAECO được phê chuẩn bởi CAAV cho phép cấp chứng chỉ B1/B2 cơ bản.
Chương trình học chi tiết:
2. CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP
Sinh viên sau khi tốt nghiệp được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng thực hành trong lĩnh vực quản lý hàng không và kỹ thuật bảo dưỡng các dòng máy bay dân dụng; được rèn luyện thái độ làm việc chuyên nghiệp và phẩm chất cá nhân cần thiết để thành công trong nghề nghiệp; có kỹ năng xã hội cần thiết để làm việc hiệu quả trong nhóm đa ngành và trong môi trường quốc tế; có năng lực lập kế hoạch, thực hiện và vận hành các thiết bị, hệ thống, máy móc phục vụ công việc khai thác, sửa chữa, bảo dưỡng phù hợp bối cảnh kinh tế, xã hội và môi trường.
2.1. Kỹ thuật vận hành:
Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật vận hành có thể đáp ứng ngay nhu cầu về nhân sự kỹ thuật cao, có khả năng đảm nhiệm công việc tại các hãng hàng không trong nước và quốc tế, các sân bay nội địa và quốc tế, các cụm cảng hàng không với vị trí:
- Vận hành bay
- Giám sát bay
- Quản lý không lưu
- Giám sát an toàn bay
- Cán bộ, nghiên cứu viên, giảng viên tại các Trung tâm, Viện, trường Đại học, Cao đẳng, v.v trong lĩnh vực Kỹ thuật Hàng Không và các ngành có chuyên môn gần…
Ngoài ra, sinh viên còn có cơ hội tiếp tục theo học chương trình Thạc sĩ Quản trị vận tải Hàng không Quốc tế (IATOM) tại USTH và Trường Hàng không dân dụng quốc gia Pháp (ENAC) để trở thành nhân sự quản lý cấp cao của các hãng hàng không trong và ngoài nước.
2.2. Kỹ thuật bảo dưỡng:
Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật bảo dưỡng có kiến thức cơ sở chuyên môn vững chắc, thích ứng tốt với những công việc khác nhau trong lĩnh vực kỹ thuật chung, có khả năng đảm nhận các công tác hành chính, văn phòng trong lĩnh vực chuyên ngành kỹ thuật khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay hoặc làm việc ở vị trí thợ phụ (có thợ chính kèm cặp, giám sát) để có kiến thức chuyên sâu và nâng cao tay nghề.
2.3. Kỹ thuật bảo dưỡng và B1+B2:
Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ thuật bảo dưỡng và có chứng chỉ B1+B2 có thể đảm nhiệm công việc tại các hãng hàng không (Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet Air, HaiAu Aviation,…) với vai trò:
- Kỹ sư bảo dưỡng, sửa chữa
- Kỹ sư kiểm định, đánh giá
- Kỹ sư quản lý bảo trì, bảo dưỡng
- Kỹ sư nghiên cứu trong các lĩnh vực cơ khí động lực, khoa học vật liệu, điện và điện tử.
Vietnam Airlines và VAECO cam kết có chính sách cộng điểm ưu tiên cho sinh viên tốt nghiệp cử nhân Kỹ thuật Hàng không tại USTH và hoàn thành Chứng chỉ B1+B2 khi nộp hồ sơ tuyển dụng tại VAECO, không giới hạn số lượng nộp hồ sơ tuyển dụng tại các vùng miền trong cả nước khi VAECO có nhu cầu tuyển dụng.
Ngoài ra, với các sinh viên xuất sắc, có mong muốn tham gia công tác giảng dạy và nghiên cứu lâu dài tại trường, USTH sẽ hỗ trợ tìm kiếm, giới thiệu ứng tuyển và xin học bổng theo học các chương trình thạc sĩ, tiến sỹ tại các quốc gia phát triển trong lĩnh vực hàng không trên thế giới.
3. THÔNG TIN LIÊN HỆ
– Về chương trình đào tạo:
Khoa Hàng không
Tel: (+84-24) 37 91 77 47
Email: ae_dept@usth.edu.vn
Địa chỉ: Phòng 206, tầng 2, tòa nhà A21, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội
– Về công tác tuyển sinh:
Phòng Tuyển sinh
Tel: 0247 772 7748
Email: admission@usth.edu.vn
Địa chỉ: Phòng 102, tầng 1, tòa nhà A21, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội