Nghiên cứu sinh (NCS) Nguyễn Ngọc Đức, chuyên ngành Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano đã xuất sắc bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài: “Chế tạo lá nhân tạo dùng trong sản xuất nhiên liệu sạch từ năng lượng mặt trời” ngày 13/12/2021. Nguyễn Ngọc Đức là nghiên cứu sinh đầu tiên tham gia chương trình hợp tác đồng hướng dẫn nghiên cứu sinh giữa USTH và Đại học Grenoble Alpes.
Buổi Lễ có sự tham gia của 8 thành viên Hội đồng phản biện, trong đó gồm có PGS. TS. Lục Huy Hoàng, Đại học Sư phạm Hà Nội; TS. Vũ Thị Thu, Phó trưởng ban Nghiên cứu, Đổi mới và Chuyển giao công nghệ, USTH; PGS. TS. Trần Đình Phong, Trưởng khoa Khoa học Cơ bản và Ứng dụng, USTH; GS. Christel Laberty-Robert, Đại học Sorbonne, Pháp; TS. Bruno Jousselme, Ủy ban Năng lượng Nguyên tử và Năng lượng thay thế Pháp (CEA); Bà Fanny Alloin, Giám đốc nghiên cứu CNRS; TS Vincent Artero, Giám đốc nghiên cứu CEA và GS. Catherine Amiens, Đại học Toulouse, Pháp.
Dưới sự chủ trì của PGS. TS. Lục Huy Hoàng, Chủ tịch Hội đồng, Hội đồng đã thông qua lý lịch khoa học, thành tích nghiên cứu, quá trình học tập và kết quả nghiên cứu khoa học của NCS. Nguyễn Ngọc Đức trong suốt quá trình thực hiện đề tài.
Nguyễn Ngọc Đức là nghiên cứu sinh đầu tiên của USTH tham gia chương trình hợp tác đồng hướng dẫn nghiên cứu sinh giữa USTH và Đại học Grenoble Alpes. Theo đó, Ngọc Đức đã trải qua 18 tháng nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Hóa học và Sinh học Kim loại (Laboratoire Chimie et Biologie des Métaux) thuộc Đại học Grenoble Alpes dưới sự hướng dẫn của TS. Vincent Artero bên cạnh quãng thời gian thực hiện nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của PGS. TS. Trần Đình Phong tại nhóm nghiên cứu Hóa học chuyển hóa và tích trữ năng lượng (CECS) tại USTH.
Năm 2018, sau khi tốt nghiệp chương trình thạc sĩ Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano, Ngọc Đức đã xuất sắc ghi tên mình vào danh sách 11 sinh viên Việt Nam nhận học bổng Excellence – học bổng danh giá do Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam trao tặng. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách từ các đợt giãn cách kéo dài do dịch Covid-19 bùng phát tại Pháp và Việt Nam nhưng Ngọc Đức vẫn nỗ lực hoàn thành đề tài nghiên cứu sinh và bảo vệ đúng thời hạn. Các thành viên Hội đồng đánh giá cao kết quả học tập, nghiên cứu và những cố gắng bền bỉ của Ngọc Đức trong suốt thời gian qua.
Tiếp đó, Ngọc Đức đã trình bày kết quả nghiên cứu đạt được trước Hội đồng. Hiện nay, nhiên liệu được sử dụng phổ biến trong công nghiệp là nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu và khí tự nhiên). Tuy nhiên, nhiên liệu này khi đốt lại thải ra khí C02, nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Việc tìm ra nguồn nguyên liệu thay thế thân thiện với môi trường từ các vật liệu dễ kiếm, rẻ tiền và dễ chế tạo đang trở thành nhu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết.
Ánh sáng mặt trời và nước được xem là hai nguồn năng lượng xanh, sạch và vô cùng dồi dào từ thiên nhiên. “Bắt chước” cơ chế quang hợp của lá cây trong tự nhiên, các nhà khoa học đã và đang nghiên cứu để chế tạo ra “lá nhân tạo”, một thiết bị có khả năng chuyển hóa năng lượng mặt trời trở thành năng lượng hóa học tích trữ trong nhiên liệu Hydro (H2) thông qua quá trình quang phân tách nước. Nhiên liệu H2 sau đó sẽ được lưu trữ, vận chuyển và sử dụng trong pin nhiên liệu phục vụ cho đời sống con người. Để thực hiện điều này, các nhà khoa học tập trung nghiên cứu phát triển các vật liệu xúc tác mới cho phản ứng oxy hóa nước thành oxy (O2) và khử nước thành H2. Nghiên cứu của Ngọc Đức đã chế tạo thành công hai chất xúc tác (CoWO-OEC và CoWS-HEC) và từ đó xây dựng hoàn chỉnh hai thiết kế “lá nhân tạo” dạng bản mỏng và dạng hai điện cực.
Đề tài luận án tiến sĩ nằm trong một dự án nghiên cứu dài hơi Ngọc Đức cùng tham gia với nhóm nghiên cứu Hóa học chuyển hóa và tích trữ năng lượng (CECS) dưới sự hướng dẫn của PGS. TS. Trần Đình Phong từ khi theo học chương trình thạc sĩ và đến bây giờ là chương trình nghiên cứu sinh.
Kết quả nghiên cứu của Ngọc Đức được Hội đồng đánh giá cao về chất lượng, tính ứng dụng và tiềm năng phát triển trong tương lai. Sau khi thảo luận, Hội đồng chấm luận án đã họp kín và bỏ phiếu với kết quả 8/8 phiếu tán thành.
Kết thúc buổi lễ, Ngọc Đức đã gửi lời tri ân tới TS. Vincent Artero, PGS. TS. Trần Đình Phong, nhóm nghiên cứu CECS, nhóm nghiên cứu SolHyCat, khoa Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano, đồng nghiệp, bạn bè và gia đình vì đã là chỗ dựa chuyên môn và tinh thần vững chắc để bản thân hoàn thành và bảo vệ luận án thành công, cũng như đạt được học vị tiến sĩ.