“Khi mình học cấp 2-3, tất cả bài tập, đề thi đều đã có đáp án, chỉ là mình có giải ra được kết quả không. Nhưng lên đại học, mình thường xuyên gặp những câu hỏi không có đáp án, gây hoang mang”.
Từng giành giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Hóa học, Hoàng Huy Tú (SN 2001, Huế) hiện là sinh viên ngành Hóa học, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) với học bổng toàn phần chương trình đại học.
Gần đây nhất, Huy Tú chia sẻ với PV Dân trí rằng cậu đã nhận được học bổng Erasmus Mundus SERP+ cho chương trình học thạc sĩ tại châu Âu trị giá hơn 44.000 euro.
Say mê môn Hóa, lợi thế nhờ trí nhớ tốt
Giống như các bạn học sinh khác, Tú được tiếp cận với môn Hóa học từ cấp 2 và nhờ có một trí nhớ tốt nên bạn trẻ cũng không gặp nhiều khó khăn để tiếp thu kiến thức. Thời điểm là học sinh Trường THPT chuyên Quốc học Huế, Tú đã giành được nhiều giải cao ở các kỳ thi học sinh giỏi như giải Nhì kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia năm lớp 11; giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia năm lớp 12…
“Mình may mắn có trí nhớ tốt nên học Hóa tương đối dễ dàng, tiếp thu nhanh. Càng được biết thêm nhiều kiến thức về môn học này, mình càng say mê và gắn bó. Cứ tự nhiên như vậy, mình thi vào lớp chuyên Hóa cấp 3 và tiếp tục học đại học ngành Hóa học”, Tú chia sẻ.
Đối với nam sinh gốc Huế, Hóa không phải một môn học khô khan với hàng loạt các công thức mà có tính ứng dụng cao trong cuộc sống hàng ngày của con người. Những kiến thức thú vị của môn Hóa sẽ giúp người học giải thích được những vấn đề, những hiện tượng đang xảy ra xung quanh chúng ta.
Bên cạnh đó, Tú chia sẻ rằng để theo đuổi được ngành Hóa học, trước hết phải có nền tảng kiến thức cơ bản tốt với sự kiên nhẫn và thích tìm tòi, khám phá, đặc biệt là ý thức cầu tiến. Thế giới khoa học luôn vận động phát triển từng ngày, mọi thứ dần trở nên hiện đại hơn nên những người lựa chọn con đường khoa học cũng phải theo vòng xoay đó mà trau dồi thêm kiến thức liên tục.
Muốn trở thành nhà khoa học, nhà giáo
Ba năm học đại học, nam sinh gốc Huế sở hữu điểm GPA vô cùng ấn tượng, luôn đạt từ 18/20 điểm trở lên và ngay từ năm nhất cậu đã hướng tới mục tiêu đi du học nước ngoài. Vừa qua, Huy Tú đã bước tới rất gần mục tiêu của bản thân khi giành học bổng Erasmus Mundus SERP+ cho chương trình học thạc sĩ tại Pháp và Italy.
Tú chia sẻ: “Nếu thời điểm hết lớp 12, mình nộp hồ sơ đi du học thì sẽ bị muộn và phải “gap year” một năm, điều đó khiến kiến thức của mình bị nguội. Vì thế, mình đã chọn vào đại học ở Việt Nam. Và ngay từ năm nhất, mình đã quyết định học theo hướng hàn lâm và sẽ đi học cao hơn ở nước ngoài.
Mình bắt đầu tìm kiếm, vạch ra chiến lược để thực hiện ước mơ học bổng du học từ khi mới trở thành sinh viên. May mắn, trong quá trình đó mình luôn nhận được sự hỗ trợ, động viên và định hướng nhiệt tình từ các giảng viên của trường.
Hiện tại, mình vẫn giữ định hướng ban đầu là đi theo nghiên cứu chuyên sâu, trở thành một nhà khoa học. Ngoài ra, mình có tham gia một câu lạc bộ dạy học. Đây cũng là một niềm đam mê rất lâu từ trước đó của mình. Nếu được chọn theo suy nghĩ bây giờ, mình mong muốn sẽ học tập ở nước ngoài rồi về giảng dạy tại một trường đại học ở Việt Nam, vừa dạy vừa nghiên cứu”.
Đối với nam sinh gốc Huế, dù theo đuổi một ngành học có tính đặc thù cao nhưng Tú thấy cơ hội việc làm vẫn rất rộng mở với các mức lương khác nhau và bạn trẻ cho rằng lương cao hay thấp phụ thuộc vào sự cố gắng của bản thân, miễn là làm công việc đúng với đam mê của mình.
Áp lực với lịch học dày khi lên đại học
Học đúng ngành mình đam mê với môi trường thuận lợi, tuy nhiên khi lên đại học Tú cũng không tránh khỏi những bỡ ngỡ, bất ngờ so với thời học sinh.
“Về học tập, khi mình học cấp 2-3, tất cả bài tập, đề thi đều đã có đáp án, chỉ là mình có giải ra được kết quả không. Nhưng khi lên đại học, mình thường xuyên gặp những câu hỏi khó hơn, đó là những câu hỏi không có đáp án, gây tâm lý hoang mang.
Tuy nhiên, chính những câu hỏi không có đáp án đó lại thúc đẩy các bạn sinh viên như mình khám phá, tìm tòi với các ý tưởng mới và ở ngành Hóa học của mình, phòng thí nghiệm sẽ là nơi thực hiện những sự sáng tạo đó và tiếp nhận thêm nhiều kiến thức thiết thực khác trong đời sống.
Ở đại học, mình có 180 tín chỉ học bằng tiếng Anh nên chương trình có tính thử thách cao. Ngoài việc học trên lớp, chúng mình có nhiều bài tập và thời gian thực hành trong phòng thí nghiệm và tham gia dự án nghiên cứu cùng giảng viên.
Thật sự, thời gian đầu mình cảm thấy bị áp lực nhưng mình cho rằng “lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Sau khi làm quen với nhịp điệu bận rộn đó, mình và các bạn sinh viên khác đều rèn luyện được tinh thần thép, sự chăm chỉ và nỗ lực không ngừng nghỉ để không chỉ trong học tập mà trong công việc sau này sẽ luôn có sự phát triển tích cực”, Tú chia sẻ.
Dù lịch học không dư dả nhiều thời gian rảnh nhưng nam sinh 21 tuổi vẫn sắp xếp để tham gia hoạt động ngoại khóa, đó là tham gia vào một câu lạc bộ hỗ trợ học tập trong trường. Vào cuối mỗi buổi chiều, Tú cùng những người bạn trong câu lạc bộ của mình sẽ giúp các sinh viên khác giải đáp những thắc mắc trong tiết học, những câu hỏi chưa hiểu trong bài thi.
Bận rộn giữa việc học tập giữ thành tích tốt và tham gia câu lạc bộ, Tú vẫn luôn sắp xếp thời gian hợp lý để đem đến hiệu quả tốt nhất cho cả hai bằng thời gian biểu.
“Để sắp xếp thời gian một cách hợp lý cho cả học tập và hoạt động ngoại khóa, mình sử dụng thời gian biểu. Mình sẽ lên lịch học tập và làm việc trước một tuần và ghi nó ra một quyển sổ. Cụ thể, ngày hôm nay mình sẽ làm gì, ngoài thời gian đi học mình sẽ làm bài tập của môn nào, sẽ xử lý vấn đề nào. Về thời gian nghỉ ngơi, mình luôn có cố định khoảng 2 tiếng từ 18h đến 20h, trong lúc đó mình sẽ đi nấu ăn, tắm rửa, nghe nhạc giải tỏa áp lực của một ngày.
Còn lúc học, tất nhiên nếu mình học thời gian dài 2-3 tiếng thì sẽ không thể giữ tập trung xuyên suốt và rất mệt cho nên cứ mỗi tiếng mình sẽ nghỉ 15 phút. Mình cũng học theo phương pháp của chị Khánh Vy, ghi ra những điều khiến mình xao nhãng và muốn làm khi đang học rồi thực hiện chúng trong lúc giải lao”, Tú chia sẻ.
Với học bổng thạc sĩ, Huy Tú dự kiến sẽ sang Pháp vào tháng 8 này để tiếp tục học tập và nghiên cứu.