Vào ngày 10-11/09 vừa qua, cuộc thi “Make-a-thon – Giai đoạn 02: Thử thách Thiết kế Đời sống tuần hoàn” do Quỹ Fab City cùng FabLab USTH và Maker Viet phối hợp tổ chức đã diễn ra thành công rực rỡ. Chương trình được thực hiện với sự đồng hành của ba cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc – UNESCO, UNIDO, UN-Habitat, và là một phần của Dự án Hanoi Rethink – Hợp phần Thúc đẩy các ngành công nghiệp sáng tạo và chế tác kỹ thuật số tại Hà Nội.
Một Hà Nội đang phát triển đặt ra những trăn trở về một đời sống tuần hoàn bền vững – khơi nguồn cho hành trình sáng tạo của các cá nhân và đặc biệt là những đội thi của Make-a-thon 2022: Thử thách thiết kế đời sống tuần hoàn. Sau 02 ngày trực tiếp có mặt tại Hội trường tầng 8, toà nhà USTH – các đội thi đã có cơ hội trao đổi và kết thúc với phần trình bày cũng như demo sản phẩm đầy ấn tượng.
Được phát động từ ngày 11/07 đến ngày 15/08/2022, thử thách Make-a-thon nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp sáng tạo và chế tác kỹ thuật số tại Hà Nội; hướng tới mục tiêu tìm kiếm những ý tưởng mới mẻ để phát triển những giá trị, di sản của thành phố trong nền kinh tế văn hoá và sáng tạo.
Chào đón các đội thi với workshop kĩ thuật nhằm định hướng và hỗ trợ ứng dụng công nghệ vào hoàn thiện các sản phẩm mẫu, các đội thi đã tìm được cho mình những giải pháp và thiết bị cần thiết để hoàn thiện sản phẩm mẫu như in 3D, cắt laser, công nghệ CNC – tạo tiền đề cho sự phát triển tiến xa của các dự án trong tương lai.
Đồng hành cùng các đội thi còn có mentor trong nước và quốc tế – từ hỗ trợ kỹ thuật đến các chia sẻ về truyền thông sáng tạo; đặc biệt, Make-a-thon còn vinh dự được chào đón bà Cynthia Mann từ Future Traditions với câu chuyện về thời trang bền vững. Với bàn tay khéo léo, bà Cynthia đã biến hoá những sản phẩm thời trang secondhand trở nên độc đáo, nối dài vòng đời sản phẩm với nét truyền thống kết hợp hiện đại ấn tượng, giao thoa vẻ đẹp xưa cũ và hiện đại đúng như tên gọi Future Traditions. Qua những chia sẻ từ diễn giả, một hướng đi sáng tạo trong cách truyền thông cũng được đề cao, hỗ trợ các đội thi những phương pháp mới để quảng bá sản phẩm hiệu quả.
Kết thúc sự kiện là phần trình bày và demo sản phẩm từ các đội thi, thu hút nhiều sự chú ý từ Ban Tổ chức cũng như các đội cùng tham gia. Duy Anh – Đội ” Mỳ tôm xanh” chia sẻ: “Sự khác biệt cơ bản nhất của make-a-thon nằm ở việc đây là sân chơi để thí sinh thoải mái trao đổi và nâng cao kiến thức mà không đặt nặng tính cạnh tranh hơn thua. Chính từ định hướng đó, BTC đã mời nhiều chuyên gia từ các lĩnh vực khác nhau tham gia chương trình để họ chia sẻ kinh nghiệm, góc nhìn từ nhiều khía cạnh, góp phần mở rộng tầm nhìn của thí sinh. Bên cạnh lời khuyên từ mentor, chúng em cũng có cơ hội cùng nhau hiện thực hóa ý tưởng để học hỏi và nhận được những chia sẻ rất thật từ các bạn đội chơi khác nhau”.
Không chỉ là 02 ngày của thông tin và ý tưởng, các thí sinh và Ban Tổ chức cũng như FabLab USTH cũng đã cùng nhau phá cỗ trung thu với những chiếc bánh handmade thơm ngon, những tiếng ca trong vút và những hình ảnh đặc trưng của một đêm trăng rằm ấm áp.
Trải qua những phút giây đầy cảm xúc, FabLab USTH hy vọng rằng mỗi đội thi đã có một quãng thời gian tuyệt vời được thể hiện khả năng và hoàn thiện hơn các ý tưởng – chinh phục đam mê của mình, bước đi đầu tiên trên chặng đường sáng tạo và tiến xa hơn trong hành trình của cuộc thi cũng như của trên chặng đường sắp tới.
Cùng nhìn lại những khoảnh khắc ấn tượng của Make-a-thon 2022 – Giai đoạn 02: Thử thách Thiết kế Đời sống tuần hoàn:
Về Dự án Hanoi Rethink – Hợp phần Thúc đẩy các ngành công nghiệp sáng tạo và chế tác kỹ thuật số tại Hà Nội
UNIDO, cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc thúc đẩy phát triển công nghiệp để giảm nghèo, toàn cầu hóa toàn diện và môi trường bền vững, đã hợp tác với UNESCO và UN Habitat để hỗ trợ Hà Nội trở thành Thủ đô sáng tạo của Việt Nam. Ba cơ quan của Liên Hợp Quốc đã thiết lập quan hệ đối tác theo Chương trình chung mang tên Huy động nguồn lực Văn hóa và sự Tham gia của Thanh niên cho Thủ đô sáng tạo Hà Nội. Là một phần trong Chương trình, Dự án Hanoi Rethink mong muốn thúc đẩy các ngành công nghiệp sáng tạo và chế tác kỹ thuật số tại Hà Nội, bắt đầu từ tháng 6/2022 đến tháng 3/2023.
Theo dự án hợp tác này, UNIDO sẽ xây dựng bản đồ các phòng sản xuất thử nghiệm (FabLab – được viết tắt từ Fabrication Laboratory) và các trung tâm sáng tạo ở Hà Nội, cung cấp một chương trình đào tạo về thiết kế công nghiệp và công nghệ 4.0 cho các ngành công nghiệp sáng tạo và tổ chức một cuộc thi thiết kế để hỗ trợ phát triển các giải pháp sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp sáng tạo phối hợp với các phòng thí nghiệm địa phương, các công ty và các tổ chức / trường đại học khác. UNIDO đang hợp tác với Quỹ Fab City để thực hiện các hoạt động của chương trình.
Mọi thắc mắc xin liên hệ:
Điều phối viên địa phương của Quỹ Fab City tại Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai
Email: mai.nguyen@fablabsaigon.org
Điện thoại: 0365713381 (trong giờ làm việc)