Tham dự buổi lễ, về phía trường UTC, có PGS.TS Nguyễn Ngọc Long – Hiệu trưởng, PGS.TS Nguyễn Thị Tuyết Trinh – Trưởng khoa Đào tạo Quốc tế, TS Nguyễn Thị Mai – Trưởng khoa Khoa học cơ bản cùng với PGS.TS Đào Duy Lâm, PGS.TS Trần Thế Truyền, TS. Thái Minh Quân, giảng viên của trường.
Về phía trường USTH có GS. Patrick Boiron – Hiệu trưởng, PGS.TS. Ngô Đức Thành – Phó Hiệu trưởng, GS. Nguyễn Đình Quang – Trưởng khoa Năng lượng, TS. Đào Thành Dương – Trưởng khoa Đào tạo Đại học và bà Nguyễn Hà Nhung – Trưởng Bộ phận Hợp tác Quốc tế.
Đại diện cho USTH, phát biểu tại buổi lễ, GS. Patrick Boiron bày tỏ sự vui mừng trước bước tiến mới trong mối quan hệ giữa USTH và UTC đồng thời hi vọng lễ ký kết sẽ góp phần mở ra nhiều cơ hội hợp tác nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu cho hai trường.
Đồng quan điểm với GS. Patrick Boiron, PGS.TS Nguyễn Ngọc Long, Hiệu trưởng UTC nhấn mạnh hợp tác với USTH- một trường đại học có thế mạnh về Khoa học Cơ bản là cần thiết đối với UTC – một trường đại học có thế mạnh về Khoa học Ứng dụng. Thông qua các hoạt động hợp tác chung, USTH và UTC có thể tận dụng và khai thác những ưu thế riêng của từng bên để mang đến lợi ích tốt nhất cho sinh viên và giảng viên.
Cụ thể, theo thỏa thuận được ký, USTH và UTC sẽ hợp tác bước đầu trong hai lĩnh vực: đào tạo sinh viên và trao đổi giảng viên. Theo đó, UTC với truyền thống đào tạo các chuyên ngành Kỹ thuật điện, Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa… sẽ hỗ trợ dự án USTH Fablab (không gian sáng tạo kỹ thuật và công nghệ mở) thông qua việc tư vấn và tham gia các khóa đào tạo về thiết kế và chế tạo. Bên cạnh đó, UTC cũng sẽ hỗ trợ USTH Fablab mở rộng mạng lưới thành viên và tìm kiếm các nguồn tài trợ cho các sự kiện công đồng do USTH Fablab tổ chức dành cho học sinh, sinh viên như cuộc thi sáng tạo 24 giờ Hackathon dự kiến diễn ra vào cuối năm 2018.
Đặc biệt, hai trường cũng đi đến thống nhất sẽ triển khai các hoạt động trao đổi giảng viên và các dự án nghiên cứu chung, đặc biệt là trong lĩnh vực Điện, Năng lượng và Khoa học Vật liệu.
Hàng năm, USTH đón khoảng 200 lượt giảng viên là các nhà khoa học, nghiên cứu viên đến từ các trường đại học, tổ chức nghiên cứu uy tín của Pháp thuộc liên minh đào tạo USTH Consortium. Trường sẽ gửi các giảng viên này sang UTC giảng dạy một số khóa học, đồng thời tham gia chia sẻ tại các buổi các buổi seminar, workshop hay hội nghị khoa học do UTC tổ chức hoặc đồng tổ chức với USTH. Ngược lại, UTC cũng sẽ cử giảng viên giỏi của trường tham gia giảng dạy một số khóa học tại USTH. Đây là cơ hội tốt để sinh viên và giảng viên hai trường giao lưu, trao đổi và tiếp cận với các hướng nghiên cứu mới.
Trường Đại học Giao thông Vận tải (UTC) được thành lập năm 1962, đào tạo đa ngành về lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ và kinh tế. Trường thuộc tổ chức đại học Pháp ngữ AUF. Với đội ngũ gần 1200 giáo viên và cán bộ quản lý trình độ thạc sỹ trở lên, trường là một trong những địa chỉ tin cậy đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm phát triển ngành Giao thông vận tải của đất nước.