Ngày 28/3/2018, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội – USTH (còn được gọi là Trường Đại học Việt Pháp) tổ chức hội thảo giới thiệu phòng thí nghiệm hỗn hợp quốc tế LOTUS nghiên cứu hệ thống kết hợp đất liền – đại dương – khí quyển.
LOTUS là tên viết tắt Tiếng Anh của Study Center of the Land-Ocean-aTmosphere regional coUpled System, dịch là Phòng thí nghiệm nghiên cứu hệ thống kết hợp đất liền- đại dương – khí quyển quy mô khu vực. Đây là Phòng Thí nghiệm được sáng lập bởi USTH và LEGOS (Phòng thí nghiệm nghiên cứu về Địa chất và Hải dương học), thuộc Viện nghiên cứu Phát triển Pháp (IRD). LOTUS nhận được sự hỗ trợ về tài chính cũng như tham gia về mặt chuyên môn của nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức tại Việt Nam và Pháp trong lĩnh vực Môi trường, Hải dương học, Viễn thám quan sát trái đất.
Tham dự hội thảo về phía đối tác của dự án bao gồm GS. Alexis Drogoul, trưởng đại diện của Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp (IRD) tại Việt Nam; PGS. TS Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học; TS. Trần Đình Lân, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường Biển; TS. Phạm Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Vũ Trụ. Về phía USTH có sự tham gia của TS Marine Herrmann, chủ nhiệm dự án LOTUS, Trưởng khoa Nước – Môi trường – Hải dương học; PGS. TS. Ngô Đức Thành, Phó Hiệu trưởng, đồng Chủ nhiệm dự án LOTUS; PGS.TS. Nguyễn Thị Huệ, đồng Trưởng khoa Nước – Môi trường – Hải dương học.
Hội thảo cũng quy tụ hơn 30 nhà khoa học, nghiên cứu viên đến để chia sẻ kinh nghiệm, mục đích và mong muốn của họ về LOTUS nhằm củng cố các hợp tác hiện tại và tìm kiếm cơ hội hợp tác mới.
Dự án có mục đích tích hợp những cách tiếp cận sáng tạo để nghiên cứu theo dõi chu trình nước trong hệ thống khí quyển, lục địa, hải dương ở các vùng duyên hải của Việt Nam và Đông Nam Á. Những thông tin này rất quan trọng đối với Việt Nam, một quốc gia có nền kinh tế dựa trên những ngành mũi nhọn sử dụng nhiều tài nguyên nước như nông, ngư nghiệp và du lịch.
Với vai trò là nhà đồng sáng lập dự án LOTUS, USTH chịu trách nhiệm về phân tích nước, nghiên cứu mô hình khí quyển, và đại dương. LEGOS đảm nhiệm các vấn đề về quan sát và mô hình hóa đại dương và thủy văn.
Bốn nhà bảo trợ của dự án gồm có: Viện nghiên cứu phát triển Pháp (IRD), Đại học liên bang Toulouse Midi-Pyrénées, Đại học Littoral Côte-d’ Opale của Pháp, và Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST).
Dự án nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của các thành viên chiến lược phía Pháp và Việt Nam với nhiều nội dung quan trọng. CNRS/UFTMIP hỗ trợ phương pháp nghiên cứu SIROCCO. CNRS/ ULCO hỗ trợ phương tiện kỹ thuật về viễn thám và thủy động lực học. Viện Hải Dương học (IO) cung cấp thông tin và phương pháp thu thập dữ liệu tại khu vực biển và các vùng duyên hải. Viện Tài nguyên và Môi trường biển (IMER) góp phần thu thập thông tin tại khu vực ven biển và phân tích dữ liệu về hải dương học khu vực. VAST tham gia vào thu thập dữ liệu tại cửa sông và ven sông. Viện công nghệ vũ trụ (STI) cung cấp công nghệ để thu thập dữ liệu khi quan sát trái đất từ vệ tinh.
Tại hội thảo, các nghiên cứu viên đã trình bày đề cương nghiên cứu của mình trong các lĩnh vực liên quan. Trong đó bao gồm một số nội dung thiết thực như: Áp dụng mô hình SMART GARDEN – một nền tảng kỹ thuật sinh thái nhằm nâng cao chất lượng nước thải từ nhà máy xử lý nước thải của VAST; Thống kê tàn dư thuốc trừ sâu khu vực sông Hồng (trong đất liền và nước); Tổng quan các hoạt động mô hình hóa khí quyển tại khu vực Đông Nam Á.
Là trường đại học công lập thành lập theo mô hình xuất sắc, USTH rất chú trọng phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) trên bình diện quốc tế nhằm tạo điều kiện cho giảng viên và sinh viên được tiếp cận gần nhất với nền khoa học, công nghệ thế giới. Tính đến cuối năm 2017, USTH đã xây dựng được 9 phòng thí nghiệm hỗn hợp quốc tế thông qua việc hợp tác chặt chẽ với các nhà nghiên cứu, nhóm nghiên cứu thuộc hơn 40 viện nghiên cứu, trường đại học hàng đầu của Pháp nằm trong Liên minh đào tạo USTH Consortium. Hai trường đại học Pháp tham gia dự án LOTUS, gồm Đại học liên bang Toulouse Midi-Pyrénées, Đại học Littoral Côte-d’ Opale cũng nằm trong liên minh này. LOTUS được đánh giá là dự án trọng điểm của USTH nhằm nâng tổng số phòng thí nghiệm hỗn hợp quốc tế của trường lên con số 10.