Lênh đênh trên tàu hải quân Bỉ để do thám lòng đại dương, bay tận sang Kenya để tìm hiểu về rừng ngập mặn và rặng san hô, phiêu lưu nơi cao nguyên Đồng Cao (Bắc Giang) để lấy mẫu thí nghiệm, … tất cả đối với chàng cựu sinh viên ngành Nước – Môi trường – Hải dương học Nguyễn Đình Thành là những trải nghiệm có được khi và chỉ khi lựa chọn điểm khởi đầu tại USTH.
Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của Thành gắn với ngành học thú vị này nhé!
Nguyễn Đình Thành Cựu sinh viên khóa 5 ngành Nước – Môi trường – Hải Dương Học (tên mới: ngành Khoa học Môi trường Ứng dụng) Học bổng thạc sĩ VLIR-UOS tại Đại học Tự do Brussels, Đại học Ghent và Đại học Antwerp (Bỉ) Học bổng tiến sĩ tại Biomedicine Discovery Institute – Đại học Monash (Úc) – Top 8 trường ĐH hàng đầu của Úc và Top 1% trường ĐH hàng đầu thế giới. |
Chào Thành, bạn có thể chia sẻ một số “đặc điểm nhận dạng” cho những bạn trẻ phù hợp với ngành Khoa học Môi trường Ứng dụng (AES) được không?
Mình đã theo đuổi lĩnh vực nước, môi trường, hải dương học suốt 8 năm qua và may mắn được “chu du” tại nhiều quốc gia ở các châu lục khác nhau. Vì vậy, bằng kinh nghiệm, trải nghiệm của bản thân, mình cho rằng nếu bạn yêu thích thiên nhiên, quan tâm và mong muốn góp sức để cải thiện những tác động tiêu cực đến môi trường, có tư duy tổng hợp hay đặc biệt là đam mê phiêu lưu, thám hiểm, thì ngành Khoa học Môi trường Ứng dụng là một lựa chọn cực kỳ phù hợp.
Hơn thế nữa, mình thấy ngành học này có sự tích hợp đa ngành hết sức thú vị. Nó không chỉ là khoa học tự nhiên thuần tuý, mà còn đòi hỏi những lời giải cho các vấn đề xã hội hóc búa khác. Đây cũng là lý do chính khiến mình theo đuổi nó cho đến tận bây giờ.
Ngành học này cho bạn những trải nghiệm như thế nào?
Nếu được ví von về trải nghiệm khi học ngành này, mình thấy mọi thứ thần kỳ y như trong truyện Doraemon vậy. Úm ba la một cái là mở ra cánh cửa thần kỳ đưa mình thám hiểm khắp nơi trên thế giới.
Hồi học ở USTH, chúng mình có dịp lên Đồng Cao (Bắc Giang) để lấy mẫu, mặc dù trên đường đi toàn vắt, nhưng lại là một kỷ niệm siêu vui và đáng nhớ. Hồi học thạc sĩ ở Bỉ, mình được đi tàu hải quân ra giữa biển để do thám lòng đại dương, rồi bay tận sang Kenya ở châu Phi để tìm hiểu về san hô, về rừng ngập mặn. Nhiều bạn bè mình thì chọn phiêu lưu lặn biển cùng những rặng san hô ở Philippines để làm các đề tài về sinh thái.
Trải nghiệm khắp nơi trên thế giới của Nguyễn Đình Thành
Theo bạn, “đặc sản” của ngành AES là gì?
Ai theo ngành này thì chẳng xa lạ gì với câu chuyện đi lấy mẫu làm thí nghiệm. Chúng mình trở thành những “phù thủy phòng lab” với năng lực nuôi cá, nuôi vi khuẩn cự phách để làm thí nghiệm. Hoặc mẫu có thể được lấy từ thực địa thông qua những chuyến lên rừng, xuống biển.
Ngành AES không chỉ có đi thực địa, hay làm việc trong phòng thí nghiệm, mà các bạn còn có thể lựa chọn làm việc trên máy tính, sử dụng các chương trình thuật toán, phần mềm để nghiên cứu về môi trường, như mô phỏng dòng chảy đại dương, biến động về thời tiết, hay phân tích hệ gene của các loài sinh vật để đánh giá mức độ đa dạng sinh học, phục vụ cho công tác bảo tồn v.v.
Một cái đặc biệt nữa của ngành AES, như mình đã nói ở trên, đó là nó không chỉ là ngành khoa học tự nhiên thuần tuý, mà còn tích hợp các kiến thức, kĩ năng của các ngành xã hội nữa. Khi học thạc sĩ, chúng mình làm rất nhiều các dự án, trong đó, nhiều dự án mình phải làm việc với những người dân ở địa phương, phỏng vấn trực tiếp các vị lãnh đạo ở Bỉ, từ đó đưa ra phân tích về quá trình quản lý môi trường của họ, hay để thiết kế các giải pháp cải thiện môi trường cho khu vực đó.
Một chuyến đi thực địa khi học Thạc sĩ tại Bỉ của Nguyễn Đình Thành
Trải qua học tập, nghiên cứu tại Việt Nam, Bỉ, Úc, bạn nhận định như thế nào về ngành AES của USTH?
AES là ngành học có sự bao quát tất cả các mảng, từ hóa học, sinh học, tin học đến các môn liên quan đến quản lý xã hội. Đặc biệt, tại USTH, chương trình đã được xây dựng rất sát với chương trình ở các trường Đại học trên thế giới, nhất là tại châu Âu.
Sau khi tốt nghiệp cử nhân ở USTH, mình có cơ hội học tiếp Thạc sĩ ở Bỉ. Khi sang đó, mình đã khá quen với phương pháp hệ thống giáo dục theo phong cách châu Âu được dạy ở USTH. Đồng thời, các kiến thức nền được trang bị khi học tại USTH giúp mình nhanh chóng bắt nhịp với chương trình học Thạc sĩ mà không gặp bất cứ khó khăn, rào cản gì.
Các kiến thức cơ bản được dạy ở USTH, cụ thể đối với mình, như kiến thức về vi sinh, hay những kỹ năng trong phòng thí nghiệm được tôi luyện qua các giờ thực hành, cho đến bây giờ, vẫn phục vụ công việc nghiên cứu của mình khi làm tiến sĩ.
Mình mong rằng những chia sẻ cá nhân của mình sẽ giúp ích cho các bạn trẻ yêu thiên nhiên, môi trường có thêm góc nhìn mới trong việc lựa chọn hướng đi cho tương lai. Chúc các bạn thành công!
Cảm ơn Thành vì những câu trả lời ý nghĩa. Chúc bạn thành công trên con đường sắp tới!