Vừa qua, Trung tâm nghiên cứu Năng lượng sạch và Phát triển bền vững (CleanED), trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) đã tổ chức Khóa đào tạo và Thảo luận về Quy hoạch năng lượng và Phát triển bền vững, diễn ra trong vòng hai ngày 18 và 19/10/2018.
Khóa đào tạo được tổ chức trong khuôn khổ dự án “Xây dựng năng lực về mô hình năng lượng và khí hậu”, là một phần của chương trình trao đổi giáo dục song phương Việt Nam – Ireland, do Trung tâm CleanED và Trung tâm Năng lượng hàng hải và Năng lượng tái tạo (MaREI), trường Đại học Cork, Ireland phối hợp thực hiện. Hoạt động của dự án được tài trợ hơn 120.000 euros bởi Irish Aid, cơ quan chính thức của Chính phủ Ireland về phát triển quốc tế.
Tham gia sự kiện có nhiều chuyên gia uy tín trong lĩnh vực năng lượng như GS. Bùi Huy Phùng – Chủ tịch Hội đồng Khoa học Năng lượng Việt Nam, TS. Trần Duy Châu – Chuyên gia Nghiên cứu và Phát triển của tập đoàn Điện lực EDF (Pháp), Chủ tịch Hiệp hội Điện và Năng lượng Việt Nam tại Pháp, TS. Nguyễn Quốc Khánh – Chuyên gia về Quy hoạch năng lượng; TS. Nguyễn Đình Quang – Đồng Trưởng khoa Năng lượng trường USTH, TS. Nguyễn Trịnh Hoàng Anh – Giảng viên khoa Năng lượng, chủ nhiệm dự án; cũng như thu hút sự tham gia của các giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên trường USTH.
Hiện nay, không chỉ riêng Việt Nam mà mọi quốc gia trên thế giới đều đang đứng trước bài toán chuyển đổi sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, hướng đến phát triển bền vững. Khóa đào tạo của trung tâm CleanED vì vậy được tổ chức nhằm cung cấp cho người tham dự một cái nhìn tổng quan về tình hình chung của công cuộc quy hoạch năng lượng tại Việt Nam, cũng như những tiềm năng, thách thức và mục tiêu của đất nước trong thời đại chuyển giao năng lượng.
Theo TS. Dương Hà Minh, giám đốc trung tâm CleanED, quy hoạch năng lượng bao gồm việc dự báo nhu cầu sử dụng năng lượng trong tương lai, từ đó tìm ra giải pháp cung cấp năng lượng nhằm đáp ứng hiệu quả và bền vững nhu cầu này. Thực tế, Quy hoạch Điện VII (điều chỉnh) cho thấy nhu cầu tiêu thụ năng lượng ở Việt Nam sẽ tiếp tục tăng nhanh trong nhiều năm tới, với dự báo khoảng 130.000 MW điện sẽ được sản xuất vào năm 2030, tăng gần 5 lần so với hiện nay. Vì vậy, để đảm bảo phụ tải, Việt Nam cần tiến hành chuyển đổi sang nguồn điện từ năng lượng tái tạo, cụ thể là năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng hydro…
Tiếp theo đó, những giải pháp tiềm năng nhằm giải quyết vấn đề về nhu cầu năng lượng tại Việt Nam lần lượt được giới thiệu tại khóa đào tạo và nhận được sự thảo luận sôi nổi từ giảng viên, sinh viên tham dự. Hệ thống lưu trữ năng lượng (ESS), Lưới điện thông minh (Smart Grid) hay Phần mềm mô phỏng mô hình Quy hoạch Năng lượng dài hạn (LEAP) đều là những ý tưởng giúp nâng cao chất lượng cung cấp điện, cũng như góp phần mở ra hướng đi mới cho việc khai thác năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Khép lại khóa đào tạo, người tham dự, đặc biệt là những sinh viên đang theo học ngành Năng lượng tại USTH, ý thức được tính ứng dụng và cần thiết của quy hoạch năng lượng trong sự phát triển đất nước, đồng thời hiểu rõ hơn về vai trò của mô hình LEAP trong quy hoạch năng lượng.
Trước đó, vào tháng 7/2018, cũng trong khuôn khổ dự án “Xây dựng năng lực về mô hình quy hoạch năng lượng và khí hậu”, đại diện khoa Năng lượng USTH đã có chuyến tham quan làm việc tại trường Đại học Cork, Ireland. Nhân dịp chuyến đi, đại diện USTH đã có cơ hội gặp gỡ và trao đổi cùng các chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng Quốc tế về việc xây dựng những kịch bản phát triển xanh cho Việt Nam.
Trung tâm nghiên cứu Năng lượng sạch và Phát triển bền vững (Clean Energy and Sustainable Development – CleanED) được thành lập năm 2014, dưới sự hợp tác giữa USTH và hai trung tâm nghiên cứu CIRED/CNRS và CIRAD, Pháp. Từ khi thành lập, trung tâm đã nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của nhiều đối tác uy tín trong và ngoài nước như Viện Khoa học Năng lượng, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp, Viện Công nghệ Grenoble, trường Đại học Toulouse… Nhiệm vụ của trung tâm là triển khai các dự án nghiên cứu liên quan đến sự phát triển bền vững và năng lượng tái tạo ở Việt Nam, song song với đó là đào tạo các nhà khoa học, nghiên cứu viên, sinh viên trong các lĩnh vực liên quan. |