Tháng 9/2018, FabLab USTH phối hợp với Tổ chức Đại học Pháp ngữ tổ chức đợt đào tạo thiết kế 3D với 2 khóa học dành cho sinh viên Việt Nam và quốc tế của các trường đại học trong khối Pháp ngữ.
Chương trình đào tạo thiết kế 3D nằm trong khuôn khổ dự án: “Soutien à l’esprit d’innovation et au renforcement des compétences en nouvelle technologie – Fablab USTH” (Hỗ trợ và tăng cường tinh thần, kỹ năng đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới – Fablab USTH) do Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) tài trợ.
Đây là khóa học cơ bản đầu tiên dành cho sinh viên trong chuỗi các hoạt động đào tạo chuyên môn theo lộ trình ba năm thực hiện của dự án. Khóa học lần này có sự tham gia của các sinh viên Việt Nam và quốc tế đến từ các trường đại học thuộc khối pháp ngữ như trường Đại học Giao thông Vận tải, trường Đại học xây dựng, trường Đại học Kiến trúc và Viện Quốc tế Pháp ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội.
Chương trình đào tạo kết hợp hài hòa giữa việc truyền đạt lý thuyết với các bài tập thực hành cụ thể. Sau khóa học, sinh viên sẽ nắm được quy trình tạo ra một thiết kế 3D sản phẩm từ ý tưởng, sau đó sử dụng công cụ phần mềm của Dassault Systemes (CH Pháp) để phân tích thiết kế nhằm đánh giá mức độ hợp lý và nếu cần thì chỉnh sửa thiết kế đạt yêu cầu, sau đó sẽ tiến hành tạo dựng các bản vẽ kỹ thuật và cuối cùng là tự tay thực hiện sản xuất các sản phẩm cụ thể.
Theo chia sẻ của anh Nguyễn Ngọc Văn Thành – Giám đốc dự án USTH FabLab, khóa học được thiết kế phù hợp với sinh viên thuộc lĩnh vực kỹ thuật ứng dụng như Cơ khí, Điện, Công nghệ thông tin, đặc biệt là thành viên các nhóm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo về khoa học, công nghệ và kỹ thuật tại các trường đại học.
Anh Nguyễn Ngọc Văn Thành hướng dẫn sinh viên làm việc trên phần mềm thiết kế
Thực tế, tạo sản phẩm mẫu thông qua phần mềm thiết kế 3D và máy in 3D đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa sản phẩm, đặc biệt là các chi tiết cơ khí trước khi đưa vào sản xuất. Từ sản phẩm mẫu, người ta có thể sử dụng những công cụ chuyên tính toán, đánh giá các yếu tố như kiểu dáng, khối lượng, độ bền… từ đó mang đến cho nhà sản xuất nhiều ý tưởng cũng như biện pháp tối ưu cấu trúc sản phẩm hay tạo nên nhiều kiểu dáng mới, đồng thời tiết kiệm chi phí.
Phạm Minh Châu, sinh viên trường Đại học Kiến trúc chia sẻ: “Khóa học thiết kế 3D này thực sự cần thiết cho sinh viên ngành Kiến trúc. Thực tế, có rất nhiều kết cấu nhà ở khi dựng mô hình bằng tay sẽ thiếu độ chính xác, ví dụ như kết cấu mái cong. Nếu có kiến thức về xây dựng mô hình 3D, công việc của nhà thiết kế sẽ dễ dàng hơn, đồng thời hạn chế được tối đa những sai lệch ảnh hưởng đến công năng của tòa nhà khi sử dụng.”
Mô hình 3D có tính ứng dụng cao trong đa dạng ngành nghề
Mặt khác, Mayaba Solim Wapo, sinh viên quốc tế đến từ Viện quốc tế Pháp ngữ, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội lại chia sẻ điều ấn tượng nhất khi tham gia khóa học lần này là sự tận tình của giảng viên và không khí học tập trong lớp. “Tuy mỗi sinh viên làm việc trên một máy tính riêng, nhưng mình luôn được thoải mái trao đổi ý kiến với các thành viên trong lớp. Bên cạnh đó, giảng viên ở đây rất kiên nhẫn và cởi mở với sinh viên, nên mình gần như không gặp khó khăn dù lần đầu tiếp xúc với các kỹ năng về thiết kế.”
Trước đó, tháng 8/2018, khóa học tương tự với đối tượng là giảng viên cũng đã diễn ra trong vòng 5 ngày tại USTH.
Một vài hình ảnh lớp học: