Ngày 27/10/2022, tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp Viện Liên hiệp Nghiên cứu Hạt nhân Dubna – JINR (Nga) tổ chức Hội thảo và triển lãm Ứng dụng vật lý hạt nhân trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ hiện nay.
Tham dự chương trình, về phía JINR có của GS. Boris Sharkov – Giám đốc phụ trách phát triển với các đối tác khoa học , TS. Dmitry Kamanin – Trưởng phòng Hợp tác quôc tế JINR, TS. Valery Shvetsov – Giám đốc phòng thí nghiệm Frank về Vật lý Neutron, TS. Alexander Verkheev – Phó giám đốc Trung tâm Đại học JINR; về phía Viện Hàn lâm có TS. Lê Quỳnh Liên – Trưởng ban Hợp tác quốc tế, GS. Đinh Văn Trung – Viện trưởng Viện Vật lý, TS. Nguyễn Xuân Anh – Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, PGS. TS.Trần Đình Phong – Phó Hiệu trưởng USTH.
Tại hội thảo, TS. Dmitry Kamanin, Trưởng phòng hợp tác quốc tế, Viện Liên hiệp Nghiên cứu Hạt nhân Dubna chia sẻ thông tin về các hoạt động nghiên cứu, đào tạo hiện nay của Viện, trong đó nhấn mạnh đến những dự án liên ngành, ứng dụng vật lý hạt nhân trong các lĩnh vực như khoa học vật liệu, công nghệ nano, khoa học y tế, vv
JINR là một trung tâm nghiên cứu quốc tế được thành lập từ năm 1956 mà Việt Nam là một thành viên sáng lập. Hàng năm Việt Nam cử khoảng 20 cán bộ, đặc biệt là các cán bộ trẻ, sang học tập và nghiên cứu tại JINR.
Tại JINR có các trang thiết bị nghiên cứu hiện đại nhất thế giới hiện nay như máy gia tốc, phổ kế tán xạ neutron, hệ thí nghiệm tổng hợp các nguyên tố mới, vv. Các nhà khoa học Việt Nam được chào đón tới thực hiện nghiên cứu tại JINR và khai thác tốt nhất các trang thiết bị hiện có tại JINR cho các nghiên cứu của mình.
TS. Dmitry Kamanin cũng chia sẻ về các cơ hội tham gia các chương trình nghiên cứu, các chương trình đào tạo ngắn hạn trong nhiều lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ cho sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh và nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam. Mục tiêu của các chương trình này là tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ tiếp cận, học hỏi và tham gia sâu hơn vào các dự án khoa học do các giáo sư và nhà nghiên cứu cấp cao từ Nga và các quốc gia khác có liên quan đến JINR hướng dẫn. Bên cạnh đó, JINR cũng đang triển khai xây dựng các khóa học online, khóa học mở giới thiệu khoa học một cách cơ bản nhất, dễ tiếp cận nhất với đại chúng. Sinh viên Việt Nam hoàn toàn được tự do khai thác nguồn học liệu này.
TS. Lê Quỳnh Liên, Trưởng ban Hợp tác quốc tế, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam giới thiệu những hoạt động, thành tựu của Việt Nam tại JINR, nhấn mạnh mong muốn của Việt Nam, của Viện Hàn lâm triển khai nhiều hoạt động hơn nữa, khai thác hơn nữa JINR trong chiến lược phát triển nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu trình độ cao.
Tham dự sự kiện, GS. Đinh Văn Trung – Viện trưởng Viện Vật lý, TS. Nguyễn Xuân Anh – Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu và PGS. Trần Đình Phong – Phó Hiệu trưởng USTH cùng thể hiện mong muốn phát triển sâu sắc hơn các hoạt động đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao với JINR.
Các đại biểu chia sẻ quan điểm về tiềm năng rất lớn của vật lý hạt nhân trong nhiều lĩnh vực khoa học, công nghệ. Việc tăng cường lực lượng nhóm nghiên cứu Việt Nam tại JINR với sự tham gia của các nhà nghiên cứu trẻ đến từ nhiều chuyên ngành khác nhau sẽ tạo một cầu nối vững chắc cho hợp tác nghiên cứu giữa JINR, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam và các đơn vị đào tạo, nghiên cứu khác của Việt Nam.
Sau hội thảo, các đại biểu tham dự sẽ có cơ hội được tham quan triển lãm nơi trưng bày các sơ đồ tương tác đa phương tiện của các dự án khoa học lớn đang hoạt động và các dự án đang được xây dựng tại JINR như: Tổ hợp Máy gia tốc NICA (máy gia tốc va chạm collider của Nga), Nhà máy Các nguyên tố Siêu Nặng (SuperHeavy Element Factory) và Kính thiên văn Neutrino BAIKAL-GVD.
Ngoài ra, với hỗ trợ của công nghệ thực tế ảo, khách tham dự triển lãm sẽ có cơ hội tham quan các phòng thí nghiệm của JINR và cảm nhận mình đang tham gia vào một thí nghiệm thực thụ.