Hội thảo “Tổng hợp vật liệu và ứng dụng” do nhóm nghiên cứu tiềm năng của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH): “Năng lượng và Môi trường bền vững” (SEED) đã diễn ra vào ngày 18/09/2024 với sự tham gia của nhiều chuyên gia và học giả uy tín.
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS. Đinh Thị Mai Thanh – Hiệu trưởng USTH cho biết nghiên cứu là một trong những trọng tâm phát triển quan trọng của Nhà trường nhằm hướng tới mục tiêu trở thành một trường đại học định hướng nghiên cứu. Trường thành lập các nhóm nghiên cứu tiềm năng và nhóm nghiên cứu mạnh, đồng thời xây dựng các chính sách hỗ trợ để tạo điều kiện thúc đẩy và nâng cao chất lượng nghiên cứu của giảng viên/ nghiên cứu viên trong trường. Kể từ khi thành lập với tư cách nhóm nghiên cứu tiềm năng, SEED đã có các hoạt động nghiên cứu sôi nổi, hứa hẹn sẽ trở thành nhóm nghiên cứu tiềm năng đầu tiên được công nhận thành nhóm nghiên cứu mạnh của Nhà trường.
GS.TS. Đinh Thị Mai Thanh cũng chia sẻ những thông tin vui về kết quả nghiên cứu của USTH đến với Hội thảo. Mặc dù có tuổi đời trẻ nhất trong số các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, USTH đã đạt được các kết quả nghiên cứu nổi bật: nằm trong Top 3 về số lượng công bố quốc tế, Top 2 về chất lượng công bố quốc tế thuộc nhóm SCIE và có năng suất công bố quốc tế/ giảng viên cao nhất trong các đơn vị trực thuộc Viện. GS.TS. Đinh Thị Mai Thanh gửi lời chúc Hội thảo thành công, mang đến nhiều chia sẻ hữu ích cho người tham dự.
Thay mặt nhóm nghiên cứu SEED, TS. Nguyễn Hồng Nam đã giới thiệu tổng quan về hoạt động của nhóm. Theo đó, SEED có 10 thành viên là các giảng viên/ nhà nghiên cứu đến từ USTH, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Viện Kỹ thuật Nhiệt đới và Trường Đại học Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Nhóm đã xây dựng được mạng lưới hợp tác chặt chẽ với các trường đại học, tổ chức nghiên cứu tại Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản, Pháp, Bỉ, Ireland.
Nhóm SEED tập trung vào hai hướng nghiên cứu chính: sản xuất năng lượng sạch và tổng hợp vật liệu hấp phụ xanh để xử lý nước và không khí. Nhóm đã phát triển công nghệ khí hóa để chuyển đổi sinh khối và phế thải nông nghiệp thành năng lượng sạch, với quy trình được triển khai từ phòng thí nghiệm đến quy mô thí điểm, bao gồm các bước tiền xử lý như ép viên, carbon hóa và carbon hóa thủy nhiệt (HTC). Kết quả cho thấy khả năng tối ưu hóa hiệu quả năng lượng nhờ đánh giá chi tiết nguồn tài nguyên và lựa chọn nguyên liệu. Nổi bật là việc theo dõi sự biến đổi vật liệu trong quá trình khí hóa, từ thành phần khí tổng hợp (syngas) đến các đặc tính cấu trúc bề mặt của vật liệu như than từ vỏ hạt macadamia. Những thành quả này đã được áp dụng vào mô hình động cơ đốt, giúp nâng cao hiệu quả sử dụng khí tổng hợp. SEED cũng thực hiện đánh giá tác động môi trường thông qua công cụ đánh giá vòng đời (LCA), đồng thời phát triển các vật liệu composite mới nhằm hấp phụ khí CO2 và loại bỏ các chất ô nhiễm như thuốc nhuộm, kim loại nặng, kháng sinh trong nước. Đặc biệt, nhóm tận dụng sinh khối tuần hoàn để sản xuất năng lượng và vật liệu hấp phụ, góp phần phát triển bền vững. Kết quả nghiên cứu của SEED đã được công bố trên nhiều tạp chí khoa học uy tín, khẳng định giá trị toàn cầu của các giải pháp năng lượng sạch và công nghệ môi trường mà nhóm phát triển.
Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu đã giới thiệu và thảo luận các kết quả nghiên cứu mới nhất liên quan đến tổng hợp và ứng dụng các loại vật liệu tiên tiến, đặc biệt là các vật liệu hấp phụ và vật liệu xanh trong các lĩnh vực xử lý môi trường. Đây cũng là một trong những hướng nghiên cứu chủ đạo của SEED với mục tiêu tạo ra những giải pháp vật liệu bền vững và hiệu quả nhằm đối phó với các vấn đề môi trường ngày càng nghiêm trọng.
Tại hội thảo khoa học, các nhà nghiên cứu và chuyên gia đến từ nhiều trường đại học và viện nghiên cứu đã trình bày các công trình và hướng nghiên cứu nổi bật của mình. Đáng chú ý, GS. TS. Nguyễn Ngọc Minh từ Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, đã giới thiệu về các hướng nghiên cứu chính tại phòng thí nghiệm Soiltech, tập trung vào chế tạo vật liệu cải thiện đất, đặc biệt nhằm tăng khả năng tích trữ nước trong các khu vực hạn hán kéo dài.
Một số hình ảnh các diễn giả tham gia Hội thảo
TS. Vũ Duy Tùng, giảng viên Khoa Hóa, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, đã giới thiệu những tiến bộ trong việc chế tạo thanh nano CuO trên nền bọt đồng. Cấu trúc này mở ra các ứng dụng quan trọng trong phát triển cảm biến và chất xúc tác, giúp cải thiện độ nhạy và hiệu quả trong phát hiện khí và thúc đẩy phản ứng hóa học, đồng thời giảm thiểu chi phí và mở rộng tiềm năng ứng dụng trong công nghiệp và môi trường.
TS. Hoàng Tuấn Dũng từ Trung tâm Nghiên cứu Xúc tác Việt-Đức, Đại học Bách Khoa, đã trình bày về các nghiên cứu liên quan đến chế tạo vật liệu hấp phụ khí CO2.
TS. Mai Thị Nga từ Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (VKIST) chia sẻ nghiên cứu về mỹ phẩm chống lão hóa và làm sáng da, sử dụng hạt nano cầu carbon được chế tạo bằng phương pháp thủy nhiệt kết hợp nhiệt phân, cùng với cao chiết từ cây dương xỉ Dryopteris crassirhizoma Nakai.
PGS. TS. Nguyễn Trung Dũng từ Học viện Kỹ thuật Quân sự đã giới thiệu về xúc tác dị thể dựa trên hydroxit lớp kép (LDH) và ứng dụng của nó trong xử lý các chất ô nhiễm hữu cơ trong nước.
Cũng tại hội thảo, TS. Nguyễn Minh Phương (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) đã trình bày về hệ thống lọc chuyên biệt loại bỏ H2S từ khí biogas, trong khi TS. Lê Phương Thu (USTH) chia sẻ về các hướng nghiên cứu xử lý kháng sinh trong nước. Nhiều báo cáo khác liên quan đến vật liệu và năng lượng cũng được các nhà khoa học như TS. Nguyễn Thu Phương và TS. Lê Minh Tiến trình bày, góp phần làm phong phú nội dung hội thảo.
Hội thảo “Tổng hợp vật liệu và ứng dụng” thực sự trở thành cầu nối giúp các nhà khoa học trong cùng lĩnh vực, tạo điều kiện cho sự hợp tác đa ngành, và thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ vật liệu vào thực tế. Không chỉ vậy, Hội thảo còn mang đến cơ hội để các nhà nghiên cứu trẻ, các sinh viên sắp tốt nghiệp được tiếp cận với những xu hướng mới nhất trong lĩnh vực vật liệu và môi trường, đồng thời khuyến khích sự đổi mới và sáng tạo trong nghiên cứu.
Hội thảo đã khép lại thành công, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nhóm nghiên cứu SEED trong tương lai.