Ngày 16/6/2022, Khoa Năng lượng của trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) đã tổ chức thành công hội thảo: “Cơ điện tử và Robot” quy tụ nhiều chuyên gia đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp cũng như sự tham gia của các bạn sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi toàn diện các nền sản xuất trên thế giới và tại Việt Nam. Tâm điểm của cuộc cách mạng này chính là ứng dụng công nghệ tự động hóa – robot hóa trong mọi lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nhằm dần thay thế lao động phổ thông, tăng năng suất và cải tiến chất lượng sản phẩm.
Nắm bắt nhu cầu nguồn nhân lực của Việt Nam trong lĩnh vực này trong tương lai, ngành Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử tại USTH đã ra đời năm 2020, thu hút sự quan tâm và đăng ký nhập học của sinh viên đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Nhằm mang đến cho các bạn sinh viên cơ hội để học hỏi kinh nghiệm, mở rộng kiến thức cũng như tìm kiếm định hướng nghiên cứu phù hợp với bản thân, Khoa Năng lượng đã tổ chức hội thảo: “Cơ điện tử và Robot” ngày 16/6/2022. Đây cũng là cơ hội giao lưu về mặt chuyên môn, trao đổi kết quả nghiên cứu và kết nối mở rộng hợp tác giữa các nhà nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực Cơ điện tử.
Phát biểu khai mạc chương trình, GS. Jean-Marc Lavest – Hiệu trưởng chính USTH cảm ơn sự tham gia nhiệt tình của các diễn giả, góp phần quan trọng vào sự thành công của hội thảo, đồng thời bày tỏ kỳ vọng thông qua chương trình người tham dự sẽ tích lũy thêm nhiều thông tin bổ ích về hai lĩnh vực đang phát triển nhanh và mạnh tại Việt Nam: Cơ điện tử và Robot. GS. Jean-Marc Lavest cũng gửi lời chúc chương trình diễn ra thành công và hy vọng trong tương lai Khoa Năng lượng sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo tương tự để không chỉ mang đến cơ hội kết nối cho các nhà chuyên môn mà còn giúp sinh viên mở rộng hiểu biết và sớm tiếp cận với các kiến thức thực tiễn.
Tiếp theo là phần chia sẻ của 9 diễn giả đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp.
Về phía các trường đại học có:
- TS. Nguyễn Văn Trường – Khoa Cơ khí, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội với chủ đề: “Ứng dụng mạng Nơ-ron thích nghi có triệt tiêu chattering cho việc bắt bám quỹ đạo của các robot song song trong điều kiện đối tượng bất định.”
- PGS.TS. Lê Giang Nam, Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội với chủ đề: “Tổng quan về bộ đôi số”
- TS. Dương Việt Anh – Giảng viên ngành Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, Khoa Năng lượng (USTH) với chủ đề: “Tổng quan về phương pháp điều khiển trượt ứng dụng trong lĩnh vực cơ điện tử.”
Về phía các viện nghiên cứu có:
- Ông. Đặng Anh Tuấn – Giám đốc trung tâm nghiên cứu phát triển hệ thống – Viện nghiên cứu Điện tử, Tin học và Tự động hóa với chủ đề: “Ứng dụng công nghệ thị giác máy để kiểm tra sản phẩm trong dây chuyền sản xuất công nghiệp.”
- TS. Nguyễn Lương Thiện, Viện công nghệ Vũ trụ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với chủ đề: “Thiết kế, chế tạo bộ cách ly dao động 6 bậc tự do ứng dụng cho payload quang học độ chính xác cao.”
- ThS. Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Viện Cơ học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với chủ đề: “Ứng dụng Robot trong lĩnh vực Logistics.”
Về phía doanh nghiệp có:
- Ông Nguyễn Trọng Thưởng, Tổng Giám đốc, Công ty cổ phần Tự động hóa Tân Phát
- Ông Trịnh Thanh Hải, Công ty Cổ phần Phần mềm Toàn cầu BOSCH
- Ông Kang Do-Huyn, CEO, Công ty V.A.M, Hàn Quốc
Phần trình bày của các diễn giả đã nhận được nhiều câu hỏi và ý kiến trao đổi từ người tham dự. Chương trình đã đem đến những thông tin bổ ích về các kết quả và hướng nghiên cứu, công nghệ mới cũng như nhu cầu thực tế từ phía doanh nghiệp, từ đó đưa đến những góc nhìn sâu sắc về nhu cầu thực tiễn của thị trường trong lĩnh vực Cơ điện tử và Robot.
Sau 4 tiếng thảo luận sôi nổi, hội thảo đã khép lại thành công, hứa hẹn mở ra các cơ hội hợp tác mới.
Một số hình ảnh nổi bật của chương trình: