Hiểu và chuyển mình để đáp ứng được những nhu cầu cấp thiết của nhà tuyển dụng sẽ là chìa khóa mở ra cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn đối với người lao động trong lĩnh vực Công nghệ thông tin và Truyền thông (ICT) thời đại 4.0.
Ngành ICT “đỏ mắt” tìm nhân lực chất lượng cao
Theo thống kê của trang Monster.com, trang web tuyển dụng nổi tiếng thứ 4 thế giới theo đánh giá của Forbes, thạc sĩ ngành công nghệ thông tin và khoa học máy tính lần lượt xếp thứ 2 và thứ 10 trong top 10 ngành đào tạo bằng thạc sĩ có giá trị nhất. Cụ thể, trang này đưa ra số liệu cho thấy lương của một kĩ sư ngành ICT với tấm bằng thạc sĩ cao hơn từ 17% đến 20% so với vị trí tương tự nhưng ứng viên mới tốt nghiệp cử nhân, ngay cả khi đã có một vài năm kinh nghiệm.
Đặt trong thị trường Việt Nam, độ “vênh” thu nhập này càng rõ rệt, thể hiện nhu cầu mạnh mẽ của nhà tuyển dụng trong viêc tìm kiếm nhân lực chất lượng cao. “Báo cáo toàn lương năm 2017” của VietnamWorks chỉ ra rằng vị trí Project Manager đòi hỏi ứng viên có bằng thạc sĩ có thu nhập trung bình $1,702/ tháng, gấp đôi mức lương $840 của một Developer, công việc mà các cử nhân có thể ứng tuyển.
Dưới sự tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam bắt đầu triển khai các dự án kinh doanh và hợp tác ở thị trường nước ngoài, đặc biệt là ở các thị trường Myanmar, Bangladesh, vốn được coi là “sân sau” của các “ông lớn” như Ấn Độ, Trung Quốc… Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp công nghệ thế giới đổ bộ, mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam như Samsung, LG, Intel.
Mặc dù tăng trưởng “nóng” nhưng theo đánh giá của các nhà tuyển dụng, sinh viên tốt nghiệp trình độ đại học có thể đảm nhiệm tốt các vị trí đơn giản như phụ trách về kỹ thuật, lập trình viên, tuy nhiên còn yếu ở khả năng ngoại ngữ, hiểu biết sâu rộng về ngành, kinh nghiệm làm việc trên bình diện quốc tế để đảm nhiệm vị trí cấp cao hay quản lý.
Chính vì vậy, dù mỗi năm hàng trăm nghìn sinh viên ngành ICT ra trường, doanh nghiệp vẫn phải “đỏ mắt” chiêu mộ nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng toàn diện để đảm nhiệm các dự án mang tầm quốc tế đang ngày một nhiều. Ngược lại, nếu người lao động không nắm được nhu cầu cấp thiết của nhà tuyển dụng cũng đang tự bỏ lỡ cơ hội thăng tiến và gia tăng thu nhập của chính mình.
Học thạc sĩ ICT bằng quốc tế – sự lựa chọn tức thời khôn ngoan
Trong bối cảnh nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao là thật và rất cần thiết, nhiều người lao động thức thời đã lựa chọn các khóa học Thạc sĩ để trau dồi kỹ năng, kiến thức một cách hệ thống và hiệu quả, một việc mà trước nay thường được xem là lãng phí, đặc biệt đối với những ngành có tính ứng dụng cao như ICT.
Anh Trần Văn Minh, hiện đang làm tại 1 công ty ICT có vốn đầu tư của Nhật chia sẻ: “Sau 6 năm đi làm, mình nhận thấy ngoại ngữ là rất cần thiết. Giao tiếp đơn thuần thôi chưa đủ, mà phải là Tiếng Anh chuyên ngành, để có thể tự tin đi trình bày dự án, bảo vệ ý kiến của mình trước khách hàng hay ban giám đốc. Do vậy, mình muốn theo học chương trình Thạc sĩ quốc tế bằng Tiếng Anh, với giảng viên nước ngoài và kiến thức thực tiễn cao.”
Mặc khác, anh Minh cũng cho biết công nghệ thông tin là lĩnh vực thay đổi hàng ngày, hàng giờ. Muốn bắt kịp nhịp điệu của ngành trên thế giới thì việc đọc, hiểu các tài liệu chuyên ngành về các công nghệ, phần mềm mới nhất bằng tiếng Anh là điều cốt lõi dẫn đến thành công. Nếu đợi đến khi tài liệu được dịch ra tiếng Việt thì mình đã trở thành người đi sau, lạc hậu, mất đi lợi thế cạnh tranh.
Hơn nữa, các doanh nghiệp Việt Nam đang phát triển nhiều dự án đầu tư tại nước ngoài, rất cần những cá nhân có ngoại ngữ, hiểu văn hóa và có kinh nghiệm làm việc quốc tế để đảm đương. Do đó, chương trình thạc sĩ ICT cần tạo ra điểm nhấn khác biệt so với chương trình đại học, mở ra cho học viên kiến thức mang hơi thở thời đại, thay vì kiến thức lý thuyết truyền thống.
Đoàn Tiến Tài chia sẻ đó cũng là lý do tại sao anh lựa chọn theo học chương trình Thạc sĩ CNTT bằng kép (Việt Nam và Pháp) tại Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội- USTH. Tiến Tài cho biết chương trình Thạc sĩ ICT của USTH được xây dựng và tham gia giảng dạy của 10 trường đại học Pháp, trong đó có nhiều trường xếp hạng cao về lĩnh vực ICT như Đại học La Rochelle, Đại học Toulouse, Đại học Montpellier… Học tập với các chuyên gia, giảng viên người nước ngoài đã cho anh một cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về lĩnh vực ICT trên thế giới, đồng thời từ đó có sự so sánh với Việt Nam để tìm ra góc nhìn và hướng đi riêng cho bản thân.
USTH cũng là trường đại học duy nhất mà chương trình Thạc sĩ ICT yêu cầu và tạo điều kiện cho học viên đi thực tập tại nước ngoài. Trong 6 tháng làm việc tại Pháp, Tài có dịp làm việc với người bản ngữ, làm quen với văn hóa, lối tư duy và tác phong làm việc chuyên nghiệp trong môi trường quốc tế. Theo anh, đây là một trải nghiệm thử thách và rất quý giá giúp anh trưởng thành trong chuyên môn và tự tin ứng tuyển vào các vị trí cấp cao hay tham gia vào các dự án đa quốc gia.
PGS. Lương Chi Mai, Đồng trưởng Khoa ICT của USTH nhận định theo học các chương trình Thạc sĩ ICT quốc tế hứa hẹn sẽ trở thành một xu hướng mới đáp ứng nhu cầu của cả nhà tuyển dụng lẫn người lao động trong thời đại 4.0.