Tham dự chương trình, về phía khách mời có sự hiện diện của ông Trịnh Lê Nguyên – Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên – PanNature cùng 3 cựu sinh viên WEO gồm: chị Nguyễn Thuỳ Dung – Nghiên cứu viên mời tại Alfred-Wegener Institute, Đức, anh Nguyễn Đình Thành – Nghiên cứu sinh tại Đại học Monash, Úc và chị Trần Ngọc Bích – Nghiên cứu sinh tại IHE Delft Institute for Water Education và Delft University of Technology, Delft, Hà Lan. Về phía đại diện USTH có sự tham gia của TS. Sylvain Ouillon – Trưởng khoa Nước – Môi trường – Hải dương học (WEO), TS. Mai Hương – Phó Trưởng khoa cùng các cán bộ, giảng viên, sinh viên của nhà trường.
Mở đầu chương trình, TS. Sylvain Ouillon – Trưởng khoa WEO nhấn mạnh rằng: “Đây là thời điểm rất quan trọng trước khi các em chính thức bước chân vào thị trường việc làm trong tương lai. Một con số đáng tự hào là 70% sinh viên của khoa tìm được cơ hội thực tập tại nước ngoài, đặc biệt là ở Pháp. Do đó, các em hãy cố gắng và tự tin lên. Hơn hết, khoa WEO luôn sẵn sàng chào đón và hỗ trợ sinh viên để các em có một kỳ thực tập thành công nhất”.
TS. Sylvain Ouillon – Trưởng khoa WEO phát biểu trong chương trình
Tiếp đó, TS. Mai Hương – Phó Trưởng khoa WEO cũng bày tỏ quan điểm của mình rằng: “Chương trình này là nơi chúng ta cùng trao đổi, chia sẻ những thông tin liên quan đến vấn đề thực tập – việc làm, cũng như lắng nghe kinh nghiệm từ các cựu sinh viên. Vì vậy, hãy mạnh dạn đặt thật nhiều câu hỏi để các thầy cô, anh chị cựu sinh viên có thể đưa ra những lời khuyên hữu ích nhất cho các em”.
TS. Mai Hương – Phó Trưởng khoa WEO phát biểu trong chương trình
Đa phần các bạn sinh viên khi theo đuổi ngành Khoa học Môi trường Ứng dụng sẽ hướng tới công việc tại các viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm và đặc biệt tại các tổ chức phi chính phủ (NGOs). Tuy nhiên, cụ thể công việc tại NGOs là làm gì và làm như thế nào, vẫn là dấu chấm hỏi đối với nhiều sinh viên. Chính vì vậy, ông Trịnh Lê Nguyên, với vai trò Giám đốc của một NGO đang hoạt động tại Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu sinh thái và bảo tồn thiên nhiên, đồng thời cũng là cựu sinh viên khoa WEO, đã lý giải rất chi tiết về vấn đề này. Mặt khác, nhận thấy những lo lắng của các sinh viên khi gặp một số khó khăn trên chặng đường tìm kiếm cơ hội thực tập tại nước ngoài, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 đang diễn biến phức tạp, ông Trịnh Lê Nguyên đã gợi ý thêm hướng đi mới cho những bạn trẻ yêu khoa học – môi trường: thực tập tại NGOs trong nước. Hiện nay, các tổ chức này tại Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn và có rất nhiều điều kiện nghiên cứu tốt để các bạn sinh viên thực tập, trải nghiệm.
Ông Trịnh Lê Nguyên giới thiệu về chương trình nghiên cứu của PanNature
Theo anh Nguyễn Đình Thành – một cựu sinh viên khoa WEO đã có trải nghiệm thực tập tại Pháp khi đang là sinh viên năm cuối, bí quyết để có một kỳ thực tập thành công, đó là các bạn hãy xác định rõ sở thích của mình là gì. Bởi lẽ, điều này sẽ giúp các bạn “khoanh vùng” được lĩnh vực cụ thể mình muốn thử sức và tích lũy cho bản thân thêm kinh nghiệm, kỹ năng cần có để theo đuổi nó trong tương lai. Thêm vào đó, ngoài việc tìm kiếm cơ hội thực tập từ thông tin của thầy cô, bạn bè, các bạn sinh viên hoàn toàn có thể “hỏi” Google hoặc đặc biệt hơn, hãy thử mạnh dạn viết email cho những đơn vị mà mình muốn ứng tuyển. Dù khả năng được phản hồi khá “mong manh”, song anh Nguyễn Đình Thành cũng động viên các bạn sinh viên nên tự tin thử nghiệm cách này. Vì chính anh là minh chứng cho việc cứ mạnh dạn làm đi, may mắn sẽ đến với bạn.
Anh Nguyễn Đình Thành tham dự trực tiếp chương trình
Đồng quan điểm với anh Nguyễn Đình Thành, TS. Lê Phương Thu – giảng viên khoa WEO bổ sung thêm rằng để gia tăng tỷ lệ thành công trong trường hợp các bạn muốn chủ động viết thư cho nơi mình muốn thực tập, hãy chú ý đến tiêu đề thư (Ví dụ: có thể viết rõ “Sinh viên trường USTH tìm thực tập ở lab”) , nội dung thư và quan trọng là các thông tin gửi đến phải mạch lạc, đầy đủ, chính xác. Bên cạnh đó, cô Phạm Thị Thanh Nga – Trưởng phòng Công tác sinh viên, đưa ra lời khuyên rằng: “Các em có thể ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng nhờ sự giới thiệu từ các thầy cô. Bởi vì lợi thế của sinh viên khoa WEO, đó là giảng viên vô cùng nhiệt tình. Do vậy, các em có thể trao đổi trực tiếp với các thầy cô trong khoa để được hướng dẫn, định hướng và liên hệ với những đơn vị tiếp nhận thực tập. Khi đấy, email ứng tuyển gửi đi sẽ có giá trị và “sức mạnh” hơn nhiều. Thêm nữa, thay vì “rải” CV nhiều nơi, các em cần chọn lọc, tìm hiểu kỹ những tổ chức, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, … mình muốn ứng tuyển, để thông tin gửi đến trúng và đúng”.
Sau phần chia sẻ sôi nổi liên quan đến cách tìm cơ hội thực tập – việc làm, các cựu sinh viên khoa WEO tiếp tục bật mí các tips để thực hiện kỳ thực tập thành công. Trước tiên, chị Nguyễn Thuỳ Dung – cựu sinh viên USTH, nghiên cứu viên mời tại Alfred-Wegener Institute, Đức đã hé lộ 5 bí quyết của bản thân để hoàn thành kỳ thực tập vừa hiệu quả, vừa giúp “tận hưởng” được nhiều điều thú vị nhất khi ở nước ngoài. Không những thế, chị Thùy Dung cùng cộng đồng cựu sinh viên khoa WEO đã tổng hợp thông tin về một số nguồn học bổng cho sinh viên để các bạn khóa sau quan tâm theo dõi. Ngoài ra, sinh viên yêu thích ngành học này có thể tham gia nhóm USTH WEO – Department để cùng trao đổi, tiếp nhận nhiều thông tin hữu ích khác.
Chị Nguyễn Thùy Dung chia sẻ 5 bí quyết để có “trải nghiệm” thực tập tuyệt vời nhất tại nước ngoài
Tiếp theo, chị Trần Ngọc Bích – cựu sinh viên khoa WEO, nghiên cứu sinh tại IHE Delft Institute for Water Education và Delft University of Technology, Delft, Hà Lan chia sẻ về một số khó khăn trong quá trình thực tập tại nước ngoài, đồng thời nhắn nhủ đến các bạn sinh viên những kỹ năng cần chuẩn bị trước như kỹ năng giao tiếp, quản lý dự án, làm việc nhóm, lập kế hoạch, giải quyết vấn đề, … Là một người có nhiều trải nghiệm khi vừa từng học Thạc sĩ tại USTH, vừa học Thạc sĩ tại Bỉ, chị khẳng định rằng chất lượng chương trình đào tạo của USTH hoàn toàn tương đương với chương trình ở Bỉ. “Đặc biệt, chương trình của USTH rất chú trọng vào nền tảng tri thức. Đây là điều cực kỳ quan trọng, bởi khi các bạn bắt đầu đi làm, các bạn sẽ thấy có rất nhiều thứ thay đổi, từ môi trường làm việc, các phương thức, phần mềm cho đến phương pháp, nhưng nếu được trang bị nền tảng tốt, các bạn sẽ nhanh chóng thích ứng được với sự thay đổi đó” – chị Ngọc Bích nhấn mạnh.
Chị Trần Ngọc Bích chia sẻ trực tuyến từ Hà Lan
Mặc dù chương trình tổ chức theo hình thức online, nhưng không thể làm giảm đi “sức nóng” của chủ đề thực tập – việc làm này vì Ban Tổ chức nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan đến thủ tục, giấy tờ và kinh nghiệm nộp hồ sơ thực tập tại một số nước châu Âu từ phía sinh viên USTH. Tất cả những vướng mắc này đều được cô Đỗ Thị Thùy Trang – Phó Trưởng phòng Hợp tác quốc tế cùng các cựu sinh viên tham dự sự kiện giải đáp cũng như đưa ra thêm nhiều lời khuyên mang tính định hướng, giúp các bạn sinh viên tháo gỡ phần nào băn khoăn.
Phần hỏi đáp diễn ra trực tuyến
Kết thúc chương trình, thay mặt đại diện phía USTH, TS. Nguyễn Thanh Hiền – giảng viên khoa WEO, đã trân trọng gửi lời cảm ơn đến những khách mời tham dự, đồng thời bày tỏ hy vọng sẽ có thêm nhiều sự hợp tác hơn trong tương lai giữa nhà trường, sinh viên và cộng đồng cựu sinh viên đang ngày một lớn mạnh của khoa.
Các khách mời tham gia trực tiếp chương trình chụp ảnh lưu niệm tại USTH