Chặng đường hơn 10.000 km không thể ngăn được đam mê khám phá khoa học công nghệ của Oketola Praise Oluwabamise, cậu sinh viên năm 3 ngành Công nghệ thông tin và Truyền thông đến từ Ibadan, Nigeria. Sự lựa chọn USTH và đất nước Việt Nam làm điểm đến cho hành trình tri thức của mình là một quyết định vô cùng đặc biệt, nhưng có lẽ đã được dự tính trước đối với một chàng trai đam mê khoa học từ rất sớm.
Đến với lập trình và Việt Nam như một cơ duyên
Tình yêu với công nghệ thông tin đến với Praise bắt đầu từ rất sớm. Năm 14 tuổi, sau khi lắng nghe lời khuyên của bố tận dụng thời gian nghỉ hè để tìm ra sở thích riêng cho mình, Praise đăng ký tham gia trại hè về công nghệ thông tin và bắt đầu học về các ngôn ngữ lập trình như Java, viết code, UI, UX… “Càng học dần, được tìm hiểu và làm mọi thứ từ những bước đầu tiên của lập trình, mình cảm thấy rất thích thú và tự hỏi “Ô đây là gì thế này?” Praise nhớ lại. Những buổi học “vỡ lòng” mới mẻ và lý thú đó đã thắp lên trong lòng cậu bé cấp 2 niềm đam mê đối những ngôn ngữ lập trình “bí ẩn”.
Theo thời gian, niềm đam mê đó cứ lớn dần. Praise tự tìm các lớp học thêm và tự học ở nhà trong suốt quãng thời gian học cấp 3. Đến năm cuối cấp, cậu tiếp tục tham gia một trại hè khác để phát triển hơn kỹ năng về lập trình và nhận ra đây chính là lĩnh vực mình muốn theo đuổi trong tương lai.
Sang Việt Nam học đối với Praise không phải là quyết định “quá khó khăn” khi cậu đã ít nhiều biết đến đất nước xa xôi này qua những câu chuyện từ người thân, bạn bè. Praise chia sẻ dường như bản thân rất “có duyên” với mảnh đất hình chữ S này khi cả anh họ và bố đều sang đây học đại học và thạc sĩ.
Praise biết đến USTH qua sự giới thiệu của một người bạn đã từng học chương trình thạc sĩ Công nghệ thông tin tại USTH, hiện đang giảng dạy tại một trường đại học ở Việt Nam. Cậu bị cuốn hút bởi chương trình học, khá đúng với những gì mình mong muốn theo đuổi, hơn nữa ngôn ngữ học tập bằng tiếng Anh sẽ giúp cậu hòa nhập và mở mang kiến thức tốt hơn. Bên cạnh đó, học phí và chi phí sinh hoạt đều rất hợp lý. Sau khi cân nhắc kỹ, Praise đã nộp hồ sơ ứng tuyển vào USTH và trúng tuyển.
“Những bỡ ngỡ ban đầu…”
Vượt qua hành trình gần 2 ngày bay, Praise đặt chân đến Việt Nam, chính thức bắt đầu hành trình 3 năm tại một quốc gia, cách xa quê hương đến 10.000 km. Cảm xúc lúc đó rất lẫn lộn, vừa háo hức, vừa lo lắng, vừa bỡ ngỡ. Praise cho biết trước đây cũng giống như nhiều người nước ngoài khác, cậu chỉ biết về chiến tranh Việt Nam hay qua những câu chuyện kể của người thân, mà chưa từng có trải nghiệm trực tiếp bao giờ. “Mình được biết là ở Hà Nội có rất nhiều xe máy, nhưng không thể nghĩ rằng đường phố lại có nhiều xe máy đến mức tắc đường như vậy.” Praise nhớ lại ấn tượng đầu tiên khi đến Hà Nội.
Thời gian đầu, những khác biệt về văn hóa cũng khiến Praise khá “bối rối”. Praise chia sẻ về kỷ niệm “dở khóc, dở cười” khi đường phố mới đó còn đông đúc mà bỗng chốc vắng hoe, hàng quán đồng loạt đóng cửa dịp Tết Nguyên đán. “Mình cứ nghĩ rằng đây là dịp lễ lớn thì chắc đường phố phải nhộn nhịp, đông vui lắm. Nhưng không ngờ rằng vào những ngày đầu năm, mọi nơi đều đóng cửa cứ như là “dead town” vậy.” Kế hoạch ăn nhà hàng, thưởng thức các món ăn Hà Nội của Praise và các bạn vì thế mà đã bị “phá sản”.
Như nhiều du học sinh khác, Praise đôi lúc cũng không tránh khỏi cảm giác cô đơn, nhớ nhà, nhớ gia đình và bạn bè thân thiết tại quê hương. Cậu tâm sự: “Mình rất muốn được gặp mặt, trò chuyện bằng ngôn ngữ mẹ đẻ với những người thân, người bạn thấu hiểu mình bởi lẽ không đâu bằng nhà mà.” Mặc dù vậy, cuộc sống sinh viên bận rộn cũng phần nào giúp cậu vơi đi nỗi nhớ nhà.
Từng bước hòa nhập với cuộc sống mới…”
Khi nói về trải nghiệm về thời gian học tập tại USTH, Praise phấn chấn hơn hẳn. Anh chàng chia sẻ dù phải đối mặt với không ít thử thách nhưng Praise cảm thấy rất may mắn khi nhận được khá nhiều sự hỗ trợ và quan tâm từ phía thầy cô: “Mình thấy các giảng viên rất quan tâm đến sinh viên. Đặc biệt, mình rất quý thầy Sơn vì thầy rất vui tính và thường xuyên hỏi han sinh viên vào cuối buổi học để chắc chắn rằng mọi người thực sự hiểu bài giảng.”
Không chỉ vậy, các giảng viên còn hỏi xem sinh viên đang làm bài tập đến phần nào rồi để có thể hướng dẫn và tháo gỡ các vướng mắc mà các bạn đang gặp phải trong quá trình làm bài. “Mình nghĩ đây là điều hiếm thấy ở các giảng viên đại học.”
Praise hào hứng kể về những người bạn cùng lớp thân thiện, đáng yêu. Vốn là một người ít nói, trước khi sang Việt Nam, chàng sinh viên này lo lắng rằng mình sẽ càng trầm tính hơn khi đến học tại một đất nước xa lạ. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, lo lắng này đã hoàn toàn tan biến khi “Các bạn cùng lớp hay mở lời trước với mình, nói chuyện cùng nhau vào cuối giờ học hay rủ đi ăn sau những buổi làm bài tập nhóm”.
Không chỉ vậy, các bạn còn đóng vai trò “phiên dịch viên” bất đắc dĩ giúp Praise hòa nhập nhanh vào môi trường mới. “Đôi khi trong giờ giải lao, để làm bầu không khí bớt mệt mỏi, các giảng viên nói đùa với sinh viên bằng tiếng Việt. Để tránh cho mình cảm giác lạc lõng, các bạn thường giải thích lại giúp mình bằng tiếng Anh.” Cũng vì vậy mà sau này mỗi khi có điều gì không hiểu, Praise luôn chủ động hỏi các bạn chứ không hề ngại ngần như trước kia.
Praise cũng muốn các bạn cùng lớp giúp mình học thêm tiếng Việt nhưng: “các bạn lại chỉ thích nói tiếng Anh với mình, thế nên mình nghĩ “ok vậy mình cứ thế nói tiếng Anh thôi”, Praise hóm hỉnh trả lời.
Hành trình sinh viên của Praise tại USTH đang dần đi đến vạch đích, một ngưỡng cửa mới chuẩn bị mở ra đối với cậu sinh viên năm 3 này. Lựa chọn thực tập tại Việt Nam hay nước ngoài, sau tốt nghiệp nên học tiếp cao học hay đi làm trước? “Mình vẫn đang chờ xem cơ hội phù hợp nào đến trước.” Biết đâu, Praise lại “có duyên” tiếp với Việt Nam trong tương lai thì sao?