Trần Nam Phương là cựu sinh viên khóa 7 ngành Khoa học và Công nghệ y khoa (USTH). Sau khi tốt nghiệp cử nhân, Nam Phương không chọn tiếp tục du học tại nước ngoài như phần đa bạn bè cùng trang lứa dù có rất nhiều cơ hội chờ đón. Cô bạn quyết định ở lại Việt Nam và dấn thân vào thị trường việc làm. Cùng lắng nghe cô bạn chia sẻ cách bản thân nỗ lực từ chiếc CV không kinh nghiệm đến câu chuyện chinh phục thành công 2 “ông lớn” ngành thiết bị y tế thế giới nhé!
Thích y, có nhất định phải làm bác sĩ …
“Mình có một chấp niệm với ngành y, phải thi y, phải học y và phải làm y” – Đó là những gì mà Trần Nam Phương khẳng định ngay từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, với Phương, việc trở thành một bác sĩ thực sự là một thử thách, đòi hỏi sự hy sinh lớn lao cả về thời gian và nỗ lực. Vì vậy, dù trúng tuyển trường Y nhưng cô bạn đã từ chối cơ hội này để thử thách bản thân theo một hướng đi mới. Phương bắt đầu tìm hiểu những ngành liên quan như kỹ thuật y sinh, kỹ thuật y khoa, … với mong muốn làm việc trong lĩnh vực y tế.
Sau thời gian nghiên cứu và cân nhắc kỹ lưỡng, cô bạn quyết định gửi gắm giấc mơ của mình vào ngành Khoa học và Công nghệ y khoa (MST) tại USTH – chuyên ngành kỹ thuật y sinh (Biomedical engineering – BME). “Xác định đích đến rõ ràng giúp mình “gói gọn” được rất nhiều khi lựa chọn ngành học” – Phương cho biết.
Bằng sự chăm chỉ và cầu tiến, Nam Phương còn xuất sắc trở thành hạt nhân đầu tiên của ngành MST tham gia Chương trình trao đổi sinh viên quốc tế giữa USTH và Đại học Yang Ming (Đài Loan). Theo Xếp hạng của Đại học Thế giới THE-QS năm 2021, Đại học Yang Ming xếp hạng 298 và là một trong những trường đại học công lập hàng đầu trong lĩnh vực khoa học y tế tại châu Á.
Khởi đầu từ chiếc CV “non” kinh nghiệm
Tốt nghiệp cử nhân, Phương không chọn nối dài sự nghiệp học tập tại nước ngoài như rất nhiều sinh viên USTH. Cô bạn tin rằng lĩnh vực y tế nói chung và ngành học mình theo đuổi nói riêng có dư địa phát triển lớn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ với thế giới và con người ngày càng quan tâm đến công nghệ, sức khỏe.
Sau khi ra trường, Phương sở hữu nền tảng chuyên môn khá vững vàng. “Nó đã giúp mình nhanh chóng tiếp cận với sản phẩm và kiến thức bệnh lý để tư vấn cho khách hàng trong công việc sau này” – cô bạn nhận định.
Tuy nhiên, ở thời điểm mới tốt nghiệp, việc nắm bắt thành công những “job xịn” không hề dễ dàng. “Ngày đó, trong CV của mình, ngoài “làm lab”, phần kinh nghiệm gần như trống trơn” – Nam Phương chia sẻ. Cô bạn bắt đầu tìm tòi, thử sức và quyết tâm ứng tuyển vào idsMED – “gã khổng lồ” về thiết bị y tế tại Đông Nam Á (đại diện cho trên 200 thương hiệu thiết bị y tế hàng đầu thế giới và phục vụ trên 10.000 tổ chức về chăm sóc sức khỏe). Trải qua nhiều vòng tuyển dụng gắt gao, Nam Phương chính thức nhận được “offer” đầu tiên trở thành thực tập sinh 6 tháng của công ty này.
Giữa một “rừng” ứng viên xuất thân từ nhiều trường Đại học danh giá, giỏi chuyên môn và thạo ngoại ngữ, Nam Phương vẫn tạo nên những cú bứt phá về năng lực. Do đó, chỉ sau 2 tháng, cô bạn đã vượt qua “những đối thủ nặng ký” khác để trở thành nhân viên chính thức (thay vì 6 tháng như “offer” ban đầu). Bí kíp được cô bạn chia sẻ vui, đó là “Mình chịu khó ôm nhiều việc”.
Phương tâm sự: “Mọi người thường nghĩ, thực tập là giai đoạn làm quen dần dần và được cầm tay chỉ việc. Thông thường, chúng ta sẽ mất khoảng 1 tháng để học sản phẩm và 1 tháng còn lại để bắt tay vào công việc. Nhưng thực tế, trong guồng quay của lĩnh vực thiết bị y tế hiện nay, mọi thứ diễn ra rất nhanh. Nếu không cập nhật liên tục, bạn sẽ không thể bắt kịp nhịp độ của nó. Vì vậy, mình đã chủ động trau dồi, có gì không hiểu mình sẽ hỏi các anh chị đồng nghiệp. Với mình, biết càng nhiều, mình càng quản lý công việc của bản thân dễ dàng hơn”.
Trong các doanh nghiệp đa quốc gia, thường có sếp là người nước ngoài. Ở môi trường này, việc giao tiếp thành thạo bằng tiếng Anh là một lợi thế quan trọng. Và may mắn là tại USTH, Phương đã được rèn luyện thông qua việc học 100% bằng tiếng Anh. Đồng thời, có rất nhiều môn do giảng viên nước ngoài đến từ các trường Đại học lớn trên thế giới sang giảng dạy. Vì thế, cô bạn khá tự tin và mạnh dạn trao đổi thường xuyên với sếp. Từ đó, Phương được sếp đánh giá cao và tin tưởng giao cho những mảng quan trọng mà công ty muốn tập trung phát triển. Kiêm nhiệm nhiều công việc cùng một lúc, dù khá vất vả nhưng Phương không ngại xông pha. Đây là cách để cô bạn nâng cao năng lực, giá trị bản thân và “ghi điểm tuyệt đối” trong mắt nhà tuyển dụng.
Bí kíp để Gen Z được đánh giá cao trong công việc
Sau thời gian tôi luyện tại idsMED, Phương chuyển hướng sang vị trí mới: chuyên viên phát triển thị trường mảng chẩn đoán nhanh – Tập đoàn Abbott (Hoa Kỳ). Mảng chẩn đoán nhanh là một thị trường phát triển cực kỳ sôi động, đặc biệt bùng nổ sau đại dịch Covid – 19. Công việc tiếp cận thị trường ở lĩnh vực y tế liên quan đến tìm hiểu tiềm năng sản phẩm (đối thủ cạnh tranh, các sản phẩm tương tự, các sản phẩm đặc thù), cơ chế chính sách nhập khẩu và phân phối sản phẩm tại Việt Nam, … Nó không những đòi hỏi sự am hiểu chuyên môn, mà còn cần sự chủ động tìm hiểu thông tin đa ngành, đa ngôn ngữ. Dưới áp lực cao của công việc, Phương vẫn giữ cho mình những “tuyệt chiêu” để “tỏa sáng” bằng kinh nghiệm đúc rút trong quá trình “lăn lộn” trong nghề.
Thứ nhất, chuyện làm thêm giờ
Hiện nay, nhiều bạn trẻ thường phản ứng trước câu chuyện làm thêm giờ. Với Phương, cô bạn có quan điểm riêng về vấn đề này. Phương xác định: “Khi mới đi làm, chưa nhiều kinh nghiệm, mình không hoàn toàn dành cả 8 tiếng/ ngày để làm việc. Đan xen trong khoảng thời gian đó là lúc mình đang “học việc”. Cho nên, mình luôn sẵn sàng “cày” thêm 1 – 2 tiếng nhằm hoàn tất những gì còn dang dở”.
Thứ hai, chuyện sắp xếp thứ tự ưu tiên
Ở nhiều công ty, ngay cả công ty đa quốc gia vẫn tồn tại văn hóa giao việc ngoài giờ. Để thích ứng với câu chuyện này, Phương cho rằng cần có khả năng đánh giá tính chất cấp thiết của tình huống và sắp xếp thứ tự ưu tiên giải quyết. “Thực tế, khách hàng vẫn liên hệ và đòi hỏi mình phải đáp ứng yêu cầu ngay trong cuối tuần. Điều đó đồng nghĩa rằng khả năng cao tuần tới sẽ phát sinh đơn hàng mới. Đây chính là doanh số – điều rất quan trọng với các doanh nghiệp và gắn chặt với lương thưởng của những nhân viên như mình” – Phương chia sẻ. Vì thế, hãy chọn cách ứng biến khéo léo và phù hợp nhất trong từng trường hợp cụ thể.
Thứ ba, chuyện KPI và thưởng
Thông thường, doanh nghiệp sẽ có 2 loại thưởng: thưởng doanh số và thưởng hiệu suất. Nếu thưởng doanh số được phản ánh rõ ràng bằng con số thì thưởng hiệu suất lại được tính toán rất khắt khe. Mỗi doanh nghiệp sẽ có bộ tiêu chí riêng. Do vậy, “Hãy cố gắng thể hiện thật tốt không chỉ ở kiến thức, khả năng xử lý công việc mà còn cả kỹ năng giải quyết vấn đề. Mọi nỗ lực đều sẽ được ghi nhận và đánh giá kỹ lưỡng, ngay từ những tình huống nhỏ nhất.” – Phương nhấn mạnh. Thêm một tips nữa, “Để được đánh giá chính xác, bạn nên có thói quen ghi chép nhật ký công việc với các báo cáo chi tiết kèm số liệu” – cô bạn bật mí thêm.
Chúc Nam Phương luôn giữ lửa nhiệt huyết để tiếp tục nỗ lực và gặt hái thêm nhiều thành công trên hành trình sự nghiệp mà mình đã chọn.