Cuộc thi sáng tạo 24 giờ Hackathon đã thực sự mang đến cho sinh viên USTH cơ hội hiện thực hóa ý tưởng, thiết kế ra các sản phẩm để giải quyết những vấn đề từ thực tiễn cuộc sống. Học mà chơi, chơi mà học.
“Việt hóa” ý tưởng Hackathon của MIT
Năm 2015, khi còn là sinh viên năm 2 khoa ICT của USTH, Đặng Vũ Lâm đã có cơ hội thực tập 3 tháng tại Học viện Công nghệ Massachusetts danh tiếng (Massachusetts Institute of Technology – MIT) và ngay lập tức ấn tượng ý tưởng tổ chức cuộc thi Hackathon của ngôi trường này.
Tại cuộc thi Hackathon của MIT, sinh viên được trang bị đầy đủ tất cả dụng cụ cần thiết để tạo ra một sản phẩm hoàn thiện trong khoảng thời gian ban tổ chức yêu cầu với chủ đề gắn với những bài toán cụ thể từ cuộc sống.
Khi trở về Việt Nam, Lâm chia sẻ mong muốn tổ chức Hackathon tại USTH với các thành viên khác của CLB Fablab và ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng và đồng thuận. Lâm chia sẻ: “Hiện nay tại Việt Nam các cuộc thi Hackathon mới chỉ dành cho khối lập trình, còn Hackathon giống như MIT cho sinh viên khối kỹ thuật thì ở Việt Nam chưa từng có. Đến với Hackathon của USTH, người tham dự thật sự phải bắt đầu mọi thứ từ con số 0, trong 24 tiếng phải chế tạo ra sản phẩm. Cả đội được sống, hợp tác làm việc với nhau trong một không gian nhất định.”
Tiếp nối thành công của Hackathon 1, được tổ chức với mục đích thử nghiệm, chỉ dành cho các thành viên của Fablab USTH, ngày 17/3/2018, Hackathon 2 đã được tổ chức với quy mô cấp trường, thu hút được 31 sinh viên, chia làm 7 đội tham dự. Chủ đề của cuộc thi lần này xoay quanh “Thiết bị dành cho vật nuôi”, chấm điểm dựa trên 4 tiêu chí chính: độ sáng tạo, tính ứng dụng thực tiễn, khả năng làm việc nhóm và khả năng thuyết trình,
24 giờ sống và sáng tạo
Trong vòng 24 tiếng (từ 12h ngày 17/3/2018 đến 12h ngày 18/3/2018), các đội tham gia phải lên ý tưởng, chế tạo và hoàn thiện sản phẩm của mình.
Trước khi bắt đầu cuộc thi, các đội được trao hộp kỹ thuật giống nhau– chỉ được tiết lộ khi cuộc thi chính thức bắt đầu, và máy móc FabLab, bao gồm máy in 3D, máy cắt laser, máy hàn, máy khoan và máy CNC.
Để đảm bảo an toàn và nhằm giúp các thí sinh nắm vững được các kỹ thuật dùng máy, ban tổ chức Fablab USTH đã dành 2 buổi huấn luyện “Hướng dẫn về Arduino, một số ứng dụng của Arduino cùng kỹ thuật hàn” và “Hướng dẫn sử dụng máy in 3D, thiết kế 3D”.
Trong 24 giờ các USTHers đã thực sự được ăn, ngủ, sống và làm việc trong một không gian sáng tạo. “Chưa bao giờ em nghĩ mình có thể tạo ra một sản phẩm như thế,” Nguyễn Hoàng Quân Anh, sinh viên năm nhất của USTH, cựu học sinh chuyên Sinh của THPT chuyên Hạ Long chia sẻ sau khi hoàn thành ý tưởng về mô hình quạt ẩn lưỡi để khử mùi và làm thoáng khí cho lồng chuột Hamsters cùng đội dự thi.
Đội Pet Gear đã trở thành quán quân của Hackathon 2108 với sản phẩm “Hộp đựng thức ăn tự động”.
Tuy vất vả, phải thức trắng cả đêm, nhưng với Quân Anh, cũng như nhiều bạn sinh viên tham dự khác các được và quan trọng nhất là niềm hạnh phúc khi được khích lệ tạo ra sản phẩm từ chính ý tưởng của mình.
Quân Anh cho biết: “Được nêu lên ý tưởng của bản thân đã là một sự động viên lớn để chúng em có thể tiếp tục sáng tạo. Em rất trân trọng điều đó. Ý tưởng được lắng nghe mới thúc đẩy sáng tạo.”
Kết thúc cuộc thi, các đội đã hoàn thành vô cùng xuất sắc phần thi của mình. Ba đội đã xuất sắc được nhận giải thưởng của ban tổ chức. Nhóm Pet Gear dưới sự dẫn dắt của leader Nguyễn Minh Ngọc đã xuất sắc trở thành nhà vô địch Hackathon 2018 mùa 2. Đuổi theo với số điểm sát nút là nhóm CCMNT giành vị trí thứ 2 và cuối cùng là nhóm FST ở vị trí thứ 3 chung cuộc.
Mong muốn lan tỏa tới cộng đồng sinh viên khối kỹ thuật
Lê Việt Hoa, Chủ nhiệm FabLab USTH – Sinh viên năm 2 ngành Công nghệ thực phẩm – ban tổ chức của Hackathon 2 chia sẻ: “Hackathon không nên bó hẹp cho riêng sinh viên của USTH được thỏa sức sáng chế, mà tinh thần sáng tạo cần được lan tỏa trong cộng đồng sinh viên.”
Sau những thành công nhất định của Hackathon 1 và Hackathon 2, FabLab USTH dự kiến sẽ tổ chức Hackathon 2018 mùa 3 vào quý ba năm 2018. Trong cuộc thi Hackathon 3 sắp tới, Fablab USTH sẽ mở rộng phạm vi đối tượng tham gia, hy vọng sẽ mang đến một cuộc thi vô cùng gay cấn khi thành phần tham dự là các nhóm thí sinh đến từ khắp thành phố Hà Nội.
Về phía USTH, GS Patrick Boiron, Hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết phương châm của USTH là nuôi dưỡng và phát triển niềm đam mê khoa học và công nghệ của sinh viên. Do đó, trường rất ủng hộ việc tổ chức các cuộc thi sáng tạo như Hackathon giúp sinh viên có sân chơi về công nghệ, đặc biệt ứng dụng lý thuyết vào thực tế và tìm tòi sáng chế những sản phẩm mới gắn với thực tiễn cuộc sống./.