Cùng nghe chính những sinh viên, cựu sinh viên chia sẻ về những trải nghiệm thú vị khi theo học ngành Công nghệ Kỹ thuật Cơ điện tử tại USTH
1.“Ôm trọn niềm đam mê với cơ khí, tự động hóa và robot”
Nuôi dưỡng niềm đam mê mãnh liệt về cơ khí, mạch điện, hệ thống máy móc động cơ, hệ thống tự động và robot, Phạm Gia Đức, sinh viên năm 3 chia sẻ bản thân cảm thấy may mắn khi tìm được ngành Công nghệ Kỹ thuật Cơ điện tử tại USTH. Với Đức, đây là một sự lựa chọn hoàn hảo, “ôm trọn” những niềm đam mê từ thuở thơ ấu.
Đức cho biết ngành Công nghệ Kỹ thuật Cơ điện tử giống như một chiếc hộp đầy ẩn số, càng tìm hiểu, càng thấy hấp dẫn. Một trong những điểm nổi bật nhất của ngành là khả năng ứng dụng rộng lớn của nó trong nhiều lĩnh vực, từ sản xuất, ô tô, hàng không vũ trụ, y tế, đến các sản phẩm tiêu dùng như điện thoại thông minh và thiết bị điện tử cá nhân. Công nghệ Kỹ thuật Cơ điện tử có sự kết hợp đa dạng giữa kỹ thuật điện, điện tử, cơ khí và thậm chí là tin học. Vì vậy, sinh viên được tiếp nhận một lượng kiến thức đa dạng và phong phú, từ cách thiết kế mạch điện, lập trình, đến hiểu biết chuyên sâu về cơ khí và tự động hóa hay mở rộng tầm nhìn tới các công nghệ mới, đầy tiềm năng hiện nay trong phát triển nhà thông minh, xe tự lái…
Cùng chung quan điểm với Gia Đức, Nguyễn Việt Tùng (cựu sinh viên khóa 2022-2023) cho rằng tính liên ngành tạo ra sức hút độc đáo của ngành Công nghệ Kỹ thuật Cơ điện tử, cũng như mở ra triển vọng nghề nghiệp linh hoạt trong nhiều ngành công nghiệp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Tùng bật mí tiềm năng phát triển trong tương lai của ngành học này đã chinh phục Tùng và người anh em song sinh Nguyễn Việt Bách cùng nộp hồ sơ để trở thành những sinh viên đầu tiên của ngành Công nghệ Kỹ thuật Cơ điện tử tại USTH.
2. Mảnh đất “màu mỡ” cho sự sáng tạo
Nguyễn Đức Hùng, sinh viên năm 3, dành tình yêu đặc biệt với những giờ học thực hành trong phòng thí nghiệm, một phần không thể thiếu trong chương trình học tại USTH. Đặt tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và phòng 508 của tòa nhà A21, mỗi phòng thí nghiệm không chỉ là không gian học tập mà còn là nơi khởi nguồn của những cảm hứng sáng tạo bất tận. Hùng chia sẻ: “Cả hai phòng thí nghiệm đều được trang bị những thiết bị học tập đầy đủ với chất lượng trên cả tuyệt vời giúp mình và các bạn dễ dàng áp dụng kiến thức từ lý thuyết vào thực hành.”
“Pháo đài” 508 thực sự như một địa điểm trong mơ đối với Hùng và các sinh viên yêu thích chuyên ngành Điện-Điện tử khi phòng thí nghiệm được đầu tư nhiều bộ kit hiện đại, có giá trị cao. Sinh viên được Nhà trường tạo điều kiện tối đa để sử dụng trong học tập và thực hiện các nghiên cứu cá nhân, nhờ đó tăng cường hiểu biết, làm giàu thêm kinh nghiệm của bản thân để tự tin bước ra thị trường lao động.
Đặc biệt, tính ứng dụng cao trong thực tiễn là một điểm lý thú không thể bỏ qua của ngành Công nghệ Kỹ thuật Cơ điện tử. Theo Nguyễn Việt Tùng, với chi phí không quá cao, chỉ khoảng 2 triệu đồng, sinh viên đã có thể triển khai một dự án cỡ nhỏ, thỏa sức tự mình thử nghiệm các ý tưởng dựa trên kiến thức đã học. Điều này giống như một mũi tên trúng hai đích, vừa củng cố kiến thức, kỹ năng vừa khơi dậy tinh thần tự học và sáng tạo của sinh viên.
3. Môi trường đa văn hóa – cánh cửa mở ra thế giới
Nhờ lợi thế mạng lưới hợp tác phong phú, sinh viên các ngành đào tạo của Trường, trong đó có Công nghệ Kỹ thuật Cơ điện tử có cơ hội thực tập và tham gia chương trình trao đổi tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Phạm Gia Đức là một trong những lứa sinh viên đầu tiên của USTH được tham gia chương trình trao đổi tại Đại học Khoa học Ứng dụng Munich (Đức) trong khuôn khổ hợp tác đào tạo, nghiên cứu giữa hai Trường. Khoảng thời gian một học kỳ tuy không dài nhưng đã giúp Đức tích lũy được nhiều trải nghiệm quý báu. Đức hào hứng chia sẻ: “Ở Munich, mình không chỉ được tiếp cận với những phương pháp giảng dạy và nghiên cứu tiên tiến, thực hành trên các thiết bị hiện đại của Trường mà còn được học tập trong một môi trường đa văn hóa, giao lưu với giảng viên, sinh viên đến từ khắp nơi trên thế giới. Từ đó, mình có thể phát triển các mối quan hệ và kết nối quốc tế trong lĩnh vực Công nghệ Kỹ thuật Cơ điện tử, đồng thời nâng cao hiểu biết, có góc nhìn đa chiều về ngành học mình đang theo đuổi.”
Đầu tháng 4 vừa qua, Nguyễn Đức Hùng đã khởi hành sang Pháp để bắt đầu kỳ thực tập tốt nghiệp tại trường ENS Paris-Saclay – một trong những địa chỉ uy tín về đào tạo khoa học công nghệ tại đất nước hình lục lăng. Hùng cho biết chính môi trường học tập đậm chất châu Âu tại USTH với ngôn ngữ học tập bằng tiếng Anh, có sự tiếp xúc thường xuyên với sinh viên và giảng viên quốc tế đã tiếp thêm cho bạn sự tự tin khi bắt đầu hành trình mới tại Pháp.
USTH tuyển sinh ngành Công nghệ Kỹ thuật Cơ điện tử theo 4 phương thức: 1. Xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực do Trường tổ chức, 2. Xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT kết hợp phỏng vấn, 3. Xét tuyển thẳng theo đề án của Trường và 4. Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT theo kế hoạch chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thông tin chi tiết xem tại: https://tuyensinh.usth.edu.vn/ |