Từ ngày 20-24/8/2018, FabLab USTH, với sự tài trợ của AUF, đã tổ chức chương trình đào tạo giảng viên nguồn về thiết kế 3D năm 2018, thu hút nhiều giảng viên các trường Đại học trên địa bàn Hà Nội. Đây là khóa đầu tiên nằm trong nhóm hoạt động đào tạo chuyên môn theo lộ trình 3 năm thực hiện của dự án.
Khóa học nằm trong khuôn khổ dự án “Soutien à l’esprit d’innovation et au renforcement des compétences en nouvelle technologie – Fablab USTH” (Hỗ trợ và tăng cường tinh thần, kỹ năng đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới – Fablab USTH) của trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội do Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) tài trợ.
Mục đích của khóa đào tạo nhằm truyền đạt những kiến thức cơ bản về thiết kế 3D, khả năng ứng dụng các giải pháp phần mềm thiết kế 3D nói chung và giải pháp thiết kế 3D CATIA của phần mềm Dassault Systemes (CH Pháp) nói riêng để phục vụ cho việc sản xuất và chế tạo các sản phẩm công nghiệp thực tế, có tính ứng dụng cao.
Bên cạnh đó, các học viên được kỳ vọng sẽ trở thành các cố vấn chuyên môn trong các hoạt động của FabLab USTH, đồng thời chia sẻ rộng rãi các kiến thức và kỹ năng tiếp thu trong khóa học tới các cá nhân khác góp phần xây dựng một cộng đồng sáng tạo, đổi mới theo đúng tinh thần của FabLab toàn cầu.
Khóa học có sự tham gia của 15 giảng viên đến từ các trường đại học trong khối Pháp ngữ là các đối tác nằm trong dự án Fablab USTH, bao gồm: Trường Đại học Giao thông Vận Tải, Trường Đại học Xây dựng và Trường Đại học Kiến trúc, Viện Quốc tế Pháp ngữ.
Trong 5 ngày đào tạo, các học viên đã được giới thiệu về quy trình tổng quát phát triển sản phẩm công nghiệp bao gồm: cách thức thiết kế chi tiết và lắp ráp các chi tiết thành các cụm lắp ráp, các sản phẩm hoàn thiện. Các kiến thức về phân tích động học, phân tích phần tử hữu hạn và xây dựng bản vẽ kỹ thuật của chi tiết và sản phẩm. Đặc biệt, các học viện được thực hành sản xuất sản phẩm theo 2 phương thức: gia công cắt gọt (lập trình gia công CNC), Công nghệ in 3D trên nền tảng phần mềm CATIA của hãng Dassault Systemes ngay tại trung tâm PLMCC.
Giảng viên Nguyễn Thị Minh Phương đến từ khoa Nội thất và Mỹ thuật, trường Đại học Kiến Trúc, chia sẻ: “Đây là một khóa học rất hữu ích, có tính ứng dụng cao, phù hợp với các giảng viên công tác tại các trường mỹ thuật, kỹ thuật và công nghiệp như chúng tôi. Thông qua khóa học, tôi đã được biết đến các phần mềm thiết kế mới hay các chương trình in mà trước đây chưa từng tiếp xúc. Thêm vào đó, giáo trình được xây dựng chi tiết, khoa học cùng sự giảng dạy và hỗ trợ nhiệt tình của giảng viên cũng như các cán bộ của USTH, tôi đã vượt qua được những bỡ ngỡ và khó khăn ban đầu, có thể thực hành được những mẫu thiết kế đơn giản và xa hơn là áp dụng vào công tác giảng dạy của mình.
Bên cạnh đó, giảng viên Đào Duy Lâm đánh giá cao phần mềm CATIA của hãng Dassault Systems – một công cụ, mà theo anh, rất hiện đại và trực quan trong việc phát triển các ý tưởng sáng tạo cũng như áp dụng vào công tác giảng dạy của anh tại khoa Công trình, trường Đại học Giao thông Vận tải.
Khóa tập huấn kết thúc với lễ bế giảng và trao chứng chỉ tham gia khóa học cho các học viên. Những kiến thức truyền tải trong khóa đào tạo hy vọng sẽ trở thành công cụ hữu ích cho các giảng viên trong công tác giảng dạy chuyên môn cũng như lan tỏa tinh thần sáng tạo của FabLab USTH tới các sinh viên và cộng đồng, kết nối nhiều hơn nữa các cá nhân đam mê sáng tạo và khoa học kỹ thuật tại Hà Nội và trên cả nước.
FabLab USTH, dưới sự tài trợ của AUF, là không gian mở, sáng tạo giúp các cá nhân và cộng đồng yêu thích công nghệ chuyển đổi từ ý tưởng thành các sản phẩm thử nghiệm, qua đó tìm giải pháp công nghệ giúp giải quyết các vấn đề thực tế một cách tối ưu và hiệu quả nhất. FabLab USTH được thiết kế và xây dựng với 4 không gian: làm việc chung (co-working), thiết kế, đào tạo, sản xuất. FabLab USTH dự kiến chính thức khai trương vào tháng 10/2018. Tuy nhiên, từ 2017 cho đến nay, FabLab USTH đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm khuyến khích sự sáng tạo và chủ động của sinh viên như Cuộc thi sáng chế 24h HACKATHON, khóa học lắp ráp máy in 3D tại Trung tâm Hoa Kỳ cũng như tích cực tham gia vào các hoạt động STEM tại các trường THPT ở các tỉnh thành phía Bắc.
TÌM HIỂU THÊM
Hackathon USTH: 24 giờ sống và sáng tạo với công nghệ
FabLab USTH – Công xưởng của các cá nhân đam mê kỹ thuật