Trong suốt sáu tháng qua, kể từ khi ra đời, FabLab USTH luôn rộn ràng tiếng cười nói xen lẫn tiếng máy móc hoạt động. Đây chính là nơi các sinh viên đam mê kỹ thuật của trường Đại học và Khoa học Công nghệ Hà Nội – USTH (còn được gọi là Đại học Việt Pháp) được thỏa sức hiện thực hóa những ý tưởng sáng tạo của mình.
Xuất phát từ ý tưởng thành lập câu lạc bộ khoa học cho sinh viên, FabLab USTH ra đời vào tháng 10/2017 thông qua dự án “Hỗ trợ và tăng cường tinh thần kỹ năng đổi mới, sáng tạo,ứng dụng công nghệ mới” được tài trợ bởi Tổ chức Đại học Pháp ngữ (Francophone University Association – AUF). Đây là không gian sáng chế để sinh viên biến lý thuyết được học trên lớp thành các sản phẩm thử nghiệm, qua đó tìm giải pháp công nghệ giúp giải quyết các vấn đề thực tế mà trước đây sinh viên chưa có đủ điều kiện.
FabLab là một công xưởng nhỏ tập trung vào lĩnh vực chế tác số, là nơi hội tụ của các cá nhân yêu thích sáng chế để biến những ý tưởng của mình thành hiện thực. Tại Việt Nam, mô hình Fablab đã vươn tới nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Tuy vậy, số lượng các FabLab trong trường đại học chưa có nhiều. Và USTH tự hào là một trong số ít các trường đại học ở Việt Nam mở FabLab dành cho sinh viên.
Nơi các ý tưởng được hiện thực hóa
Nhờ FabLab, nhiều sản phẩm sáng chế của sinh viên đã ra đời như máy in 3D, máy cắt CNC hay dự án thủy canh kết hợp hệ thống cơ khí – điện tử và sinh học.
Tại FabLab cũng luôn sôi động với các cuộc thi kỹ thuật. Cuộc thi HACKATHON lần 1 với chủ đề Thiết bị gia dụng – Household Appliances do FabLab chủ trì dành cho các thành viên của lab đã được tổ chức thành công vào tháng 2 vừa qua. Hiện tại, FabLab đang tổ chức cuộc thi HACKATHON lần 2 với quy mô toàn trường.
Bên cạnh đó, FabLab USTH đã phối hợp với Trung tâm Hoa kỳ tổ chức khóa học lắp ráp máy in 3D tại Trung tâm Hoa Kỳ, tổ chức các hoạt động sáng tạo cho trẻ em yêu thích khoa học hay sự kiện Probation Period cho sinh viên khóa 2015-2018 của trường.
Gia đình nhỏ của các nhân yêu thích sáng tạo
“FabLab không chỉ là nơi gặp gỡ mà đã trở thành gia đình nhỏ của các cá nhân yêu thích sáng tạo của USTH”, Chủ nhiệm FabLab Lê Việt Hoa – Sinh viên năm 2 Ngành Công nghệ thực phẩm – cho biết.
Điều thú vị nhất là FabLab USTH đã kết nối sinh viên của rất nhiều ngành, không chỉ tin học, năng lượng mà còn cả sinh học và nhiều ngành khác.
“Những đợt chạy sự kiện chúng em phải ở lại muộn đến 7-8h tối nhưng không ai kêu ca, tất cả mọi người đều hết mình vì công việc”, Hoa chia sẻ.
Theo Hoa, FabLab USTH là nơi các thành viên được là chính mình nhất, được thỏa sức với sở thích sáng chế cũng như niềm vui gặp gỡ các bạn trẻ có cùng đam mê.
Tại đây, các sinh viên có thể vận dụng và phát huy những sở trường cá nhân của mình vào những dự án chung của lab. Chẳng hạn, dự án thủy canh đòi hòi kiến thức không chỉ ngành sinh học mà còn ngành vật lý điện tử và cơ khí. Theo đó, các sinh viên có thể áp dụng kiến thức chuyên ngành cũng như những khả năng của mình để đưa dự án thành hiện thực. Ngoài ra, tham gia lab, các thành viên còn có cơ hội phát triển kỹ năng quản lý hay giao tiếp thông qua chính các dự án mà các bạn thực hiện.
Dường như FabLab USTH chưa bao giờ ngớt tiếng cười và những cuộc thảo luận về các ý tưởng cải tiến. FabLab USTH đang ấp ủ nhiều dự định như hiện thực hóa nhiều hơn nữa các ý tưởng của sinh viên, mở rộng mạng lưới đối tác của mình tới các trường Đại học ở Hà Nội cũng như hướng tới thành lập một cộng đồng makers (Makers Community) không chỉ trong khuôn khổ USTH.
Với niềm tin “đam mê cần được nuôi dưỡng và phát triển”, USTH luôn tạo những điều kiện để sinh viên được tham gia thực hành, tiếp cận với các máy móc hiện đại cũng như được khuyến khích để phát huy khả năng sáng tạo của mình và hiện thực hóa các ý tưởng của mình. FabLab USTH chính là nơi ươm mầm cho những ước mơ sáng chế và nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê cũng như tinh thần “can do” của thế hệ trẻ Việt Nam đam mê công nghệ.