Trần Anh Phi, sinh viên năm 3 ngành Kỹ thuật Điện và Năng lượng tái tạo của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), đã xuất sắc giành giải Nhất tại Diễn đàn Sinh viên Nghiên cứu Khoa học Student Forum 2024. Với dự án nghiên cứu “Ứng dụng phát hiện cử chỉ tay và dịch ngôn ngữ ký hiệu ASL: Tích hợp xử lý hình ảnh và cảm biến”, Anh Phi đã chinh phục Hội đồng Giám khảo bằng ý nghĩa thực tiễn và tiềm năng ứng dụng cao của công trình này.
Dự án của Trần Anh Phi tập trung vào việc thiết kế và chế tạo một thiết bị nhận diện cử chỉ tay, có khả năng phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu dành cho người khiếm thính. Thiết bị sử dụng công nghệ xử lý hình ảnh tiên tiến kết hợp với cảm biến ánh sáng và động cơ servo, không chỉ nhận diện chính xác 24 ký hiệu trong bảng chữ cái ASL (American Sign Language) mà còn tích hợp các tính năng nâng cao như tự động di chuyển camera theo người dùng và hỗ trợ ánh sáng linh hoạt. Những tính năng này đảm bảo thiết bị hoạt động hiệu quả trong nhiều điều kiện sử dụng khác nhau, mang lại sự thuận tiện và tính ứng dụng thực tiễn cao.
Ý tưởng nghiên cứu xuất phát từ nhu cầu hỗ trợ giao tiếp cho cộng đồng người khiếm thính – một nhóm người phải đối mặt với nhiều rào cản trong xã hội. Ban đầu, ý tưởng này được hình thành trong một dự án nhóm, dựa trên mô hình găng tay cảm biến do bạn Phạm Thị Hải Yến, bạn cùng lớp của Anh Phi đề xuất. Tuy nhiên, sau khi dự án nhóm kết thúc, nhận thấy cần cải thiện về tính thực tiễn và hiệu suất, Phi đã quyết định chuyển đổi từ găng tay cảm biến sang một hệ thống tích hợp xử lý hình ảnh, giúp tăng độ chính xác và hiệu quả của thiết bị.
Anh Phi hy vọng thiết bị sẽ góp phần mang lại giải pháp giao tiếp hiệu quả, giúp người khiếm thính dịch ngôn ngữ ký hiệu thành văn bản hoặc giọng nói, mở ra cơ hội hòa nhập tốt hơn trong xã hội.
Chia sẻ về quá trình thực hiện dự án, Anh Phi cho biết: “Trước khi bắt đầu, mình chỉ có ý tưởng tổng quát nhưng chưa rõ chi tiết về cách hoạt động của từng bộ phận. Mình đã nghiên cứu nhiều tài liệu liên quan đến công nghệ phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu và xử lý hình ảnh, từ đó tìm ra các giải pháp tối ưu và cải thiện hạn chế của những mô hình hiện tại.”
Anh Phi cũng cho biết bản thân phải đối mặt với không ít thử thách về kỹ thuật và sáng tạo. Một trong những khó khăn lớn nhất là phát triển phần mềm nhận diện cử chỉ, đòi hỏi sự chính xác cao khi xử lý dữ liệu hình ảnh và khả năng tích hợp liền mạch với các cảm biến và động cơ servo. Việc đồng bộ hóa các bộ phận, từ mạch điện đến cơ cấu hoạt động, không chỉ yêu cầu kỹ năng lập trình mà còn đòi hỏi sự khéo léo trong thiết kế hệ thống cơ điện tử. Ngoài ra, việc tối ưu hóa thiết bị để đạt được sự gọn nhẹ, dễ sử dụng và tính thẩm mỹ cũng là một bài toán không dễ dàng. Anh Phi chia sẻ rằng, việc thử nghiệm liên tục, kiểm tra và cải thiện từng bộ phận đã tiêu tốn rất nhiều thời gian, nhưng cũng mang lại những bài học quý giá.
Với Anh Phi, Diễn đàn Sinh viên Nghiên cứu khoa học không chỉ mang đến cho bạn cơ hội trình bày ý tưởng nghiên cứu, mà còn giúp bạn học hỏi và trau dồi nhiều kỹ năng quan trọng. Anh Phi chia sẻ trong giai đoạn đầu thực hiện dự án, bạn gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý thời gian, cân bằng giữa học tập và nghiên cứu. Nhận thấy vấn đề, Anh Phi học cách quản lý thời gian và lập kế hoạch một cách khoa học. “Mình phân chia dự án thành các giai đoạn cụ thể, đặt mục tiêu nhỏ và tập trung hoàn thành từng phần một. Mình nhận ra cách làm này vô cùng hiệu quả, giúp mình vừa sắp xếp được việc học, vừa hoàn thiện dự án đúng tiến độ.” Anh Phi cho biết.
Mặc dù đối mặt với khó khăn, Anh Phi nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ bạn bè và giảng viên khoa Công nghệ và Kỹ thuật Ứng dụng trong quá trình triển khai đề tài nghiên cứu. Anh Phi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến thầy Phạm Xuân Tùng đã hướng dẫn và đồng hành, đưa ra những định hướng và lời khuyên hữu ích để bạn hoàn thiện dự án.
Giành giải Nhất tại Diễn đàn Sinh viên Nghiên cứu khoa học 2024 là một niềm vui và bất ngờ lớn đối với Anh Phi. “Mình cảm thấy rất vui và bất ngờ. Năm ngoái, mình đạt giải Ba nên năm nay mình hy vọng được giải Nhì. Không ngờ dự án của mình lại được Hội đồng Giám khảo đánh giá cao như vậy. Đây là động lực để mình tiếp tục phấn đấu trong tương lai,” Anh Phi chia sẻ.
Chúc mừng Anh Phi! Chúc em luôn giữ vững niềm đam mê với khoa học và đạt nhiều thành công trên chặng đường sắp tới.