Trong khuôn khổ cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ VII (SV.STARTUP 2025) do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, dự án AGRI-CHITOSAN của nhóm sinh viên Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) đã xuất sắc giành Giải Nhì toàn quốc. Đây là thành quả xứng đáng sau quá trình nghiên cứu nghiêm túc, đổi mới sáng tạo và nỗ lực không ngừng nghỉ của các nhà khoa học trẻ.
AGRI-CHITOSAN – Biến phụ phẩm thành giải pháp bảo quản nông sản an toàn và bền vững
Dự án AGRI-CHITOSAN ra đời từ một thực trạng cấp thiết của nông nghiệp Việt Nam: mỗi năm, có tới 20–30% nông sản bị hư hỏng sau thu hoạch do thiếu các giải pháp bảo quản hiệu quả. Điều này không chỉ gây tổn thất lớn về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng — minh chứng rõ nét là số ca ngộ độc thực phẩm trong quý I/2024 đã tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, phụ phẩm nông nghiệp – như thân cây, vỏ trái cây và nông sản sau thu hoạch – lại đang bị bỏ đi một cách lãng phí. Đây không chỉ là sự thất thoát về giá trị kinh tế mà còn là gánh nặng môi trường.
Từ quan điểm: “Phụ phẩm không phải là phế phẩm”, nhóm nghiên cứu đã phát triển AGRI-CHITOSAN – một dung dịch bảo quản sinh học được kết hợp từ chitosan thủy phân từ vỏ tôm và các dịch chiết có hoạt tính sinh học từ phụ phẩm nông nghiệp như vỏ chôm chôm, măng cụt, chanh xanh và hành tây. Những nguyên liệu tưởng chừng bỏ đi này lại chứa các hoạt chất quý như polyphenol, flavonoid, tinh dầu – có khả năng chống oxy hóa và kháng khuẩn mạnh mẽ.
Sản phẩm tạo ra là một dung dịch bảo quản sinh học, giúp kéo dài thời gian tươi của rau củ quả, đồng thời giảm thiểu rác thải nhựa và thực phẩm bị lãng phí – hai thách thức lớn trong đời sống hiện đại.
Sản phẩm có khả năng:
- Chống oxy hóa,
- Kháng khuẩn và kháng nấm gây hại,
→ từ đó kéo dài độ tươi của thực phẩm từ 3–4 lần so với điều kiện bảo quản thông thường, không để lại dư lượng hóa chất độc hại.
AGRI-CHITOSAN không chỉ là một sản phẩm, mà còn là một giải pháp tổng thể, bền vững, kết hợp giữa nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn, góp phần giải quyết đồng thời ba bài toán lớn:
- Kinh tế: Giảm thất thoát nông sản sau thu hoạch, giúp nông dân và doanh nghiệp tăng thu nhập, nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị.
- Môi trường: Tận dụng phụ phẩm thay vì bỏ đi, giảm thiểu nhu cầu sử dụng hóa chất bảo quản độc hại, từ đó giảm ô nhiễm đất và nước, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.
- Xã hội: Góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, nâng cao giá trị nông sản Việt, và thúc đẩy chuyển đổi sang nền nông nghiệp sạch, xanh và bền vững.
AGRI-CHITOSAN hoạt động như một lớp màng sinh học tự nhiên khi được phun lên bề mặt nông sản, giúp ngăn chặn sự xâm nhập của vi sinh vật gây hại và làm chậm quá trình oxy hóa.
Về lâu dài, AGRI-CHITOSAN có tiềm năng:
- Thay đổi thói quen bảo quản thực phẩm trong sản xuất và tiêu dùng;
- Giảm phụ thuộc vào hóa chất công nghiệp;
- Và nâng tầm vị thế nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Tỏa sáng tại sân chơi toàn quốc
Trong vòng chung kết SV.STARTUP 2025 diễn ra tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (18–20/4/2025), AGRI-CHITOSAN là một trong số 125 dự án xuất sắc nhất cả nước được chọn vào vòng chung kết từ gần 800 ý tưởng. Dự án được hội đồng giám khảo đánh giá cao bởi tính đổi mới sáng tạo, khả thi và tác động xã hội tích cực.

Không chỉ chinh phục hội đồng bằng ý tưởng, nhóm còn gây ấn tượng nhờ tinh thần chuyên nghiệp, năng lực trình bày và chiến lược phát triển sản phẩm rõ ràng. Ngay tại cuộc thi, AGRI-CHITOSAN đã nhận được lời mời hợp tác, nghiên cứu và phát triển sản phẩm để giải quyết các vấn đề thực tiễn từ doanh nghiệp, như bảo quản hoa tươi, dâu tây, nhãn lồng …

Đáng chú ý, trước khi tỏa sáng tại sân chơi khởi nghiệp cấp quốc gia, dự án AGRI-CHITOSAN đã xuất sắc giành Giải Nhất tại cuộc thi INNO-INSPIRATION 2024 do Trung tâm Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp USTH (UIH) tổ chức. Cuộc thi là nơi nhóm sinh viên phát triển ý tưởng từ nghiên cứu ban đầu thành giải pháp có khả năng ứng dụng thực tiễn cao.

Dưới sự hướng dẫn của TS. Trần Tuấn Anh (Khoa Khoa học Sự sống), các thành viên trong nhóm – đều là sinh viên thuộc hai ngành Công nghệ Sinh học – Phát triển thuốc và Khoa học và Công nghệ Thực phẩm – đã vận dụng kiến thức chuyên ngành để giải quyết vấn đề bảo quản thực phẩm một cách sáng tạo và bền vững.
Trách nhiệm khoa học vì cộng đồng
Hơn cả một sản phẩm khởi nghiệp, AGRI-CHITOSAN là minh chứng cho tinh thần làm khoa học gắn với thực tiễn và trách nhiệm xã hội. Tận dụng phụ phẩm nông nghiệp và chất thải sinh học để tạo ra giá trị mới là cách các bạn trẻ thể hiện ý thức bảo vệ môi trường, giảm phát thải và hướng đến nền kinh tế tuần hoàn.
“Chúng mình nhận ra rằng, đổi mới sáng tạo không chỉ là việc mang đến điều mới mẻ, mà còn cần gắn liền với trách nhiệm vì xã hội.” – Trưởng nhóm Bùi Mai Phương chia sẻ.

Sự thành công của AGRI-CHITOSAN không chỉ góp phần lan tỏa tinh thần nghiên cứu – khởi nghiệp trong cộng đồng sinh viên USTH, mà còn truyền cảm hứng rộng rãi cho những ai đang theo đuổi con đường khoa học vì cuộc sống bền vững hơn.