Ngày 07/03/2023, tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) diễn ra buổi làm việc của Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ.
Tham dự buổi làm việc, về phía Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam có GS.VS. Châu Văn Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS.TS. Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, cùng đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức – cán bộ và Kiểm tra, đại diện lãnh đạo 3 đơn vị cơ sở đào tạo: Học Viện KHCN, Viện Toán học, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) và đại diện lãnh đạo một số Khoa trực thuộc Học viện KHCN và USTH.
Về phía Đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội có PGS.TS. Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Trưởng Đoàn; TS. Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và các đồng chí Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; Đại diện Lãnh đạo các Vụ của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, lãnh đạo các Vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Văn phòng Quốc hội và chuyên gia.
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đã nghe báo cáo thực tiễn triển khai chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ tại Viện Hàn lâm; đánh giá chung về chất lượng, hiệu quả đào tạo trình độ tiến sĩ hiện nay và những đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm bảo đảm cũng như nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ.
Viện Hàn lâm có 3 đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động đào tạo trình độ tiến sĩ, gồm: Học viện Khoa học Công nghệ; USTH và Viện Toán học.
Trong những năm qua, Viện Hàn lâm đã luôn quan tâm và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ. Đảng ủy, lãnh đạo Viện Hàn lâm luôn coi trọng công tác đào tạo qua việc ban hành các nghị quyết, chỉ thị về công tác đào tạo, đặc biệt là đào tạo tiến sĩ, với phương châm là lấy chất lượng làm mục tiêu hàng đầu mà không theo số lượng.
Nhằm nâng cao công tác đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, Viện Hàn lâm đã ban hành các Nghị quyết, Kết luận, đồng thời xây dựng hệ thống văn bản thống nhất trong toàn Viện để chỉ đạo điều hành, tạo sự thống nhất trong toàn hệ thống các đơn vị.
Bên cạnh đó, Viện Hàn lâm triển khai các chương trình đào tạo nghiên cứu sinh chất lượng quốc tế thông qua việc tích cực hợp tác với các đối tác nước ngoài; phát triển đội ngũ giảng viên chất lượng cao từ các nhà khoa học ở các đơn vị trực thuộc; xây dựng khai thác, sử dụng chung cơ sở vật chất, thiết bị, phòng thí nghiệm tại Viện Nghiên cứu chuyên ngành cho công tác đào tạo.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai, các cơ sở đào tạo của Viện Hàn lâm còn gặp một số khó khăn như nguồn kinh phí do kinh phí NSNN hỗ trợ đào tạo thấp; mức thu nhập của cán bộ, viên chức của Học viện Khoa học Công nghệ còn thấp, chưa thực sự đảm bảo cuộc sống để cán bộ, viên chức yên tâm công tác. Còn có sự chồng chéo giữa các văn bản pháp luật…
Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo 3 đơn vị có hoạt động đào tạo trình độ tiến sĩ đã trình bày báo cáo với Đoàn giám sát. Về phía USTH, PGS. TS. Đinh Thị Mai Thanh cho biết Nhà trường đào tạo 6 chương trình tiến sĩ với thời gian đào tạo từ 3-4 năm với ngôn ngữ đào tạo bằng tiếng Anh. Nghiên cứu sinh có nửa thời gian đào tạo tại Việt Nam và nửa còn lại học tại Pháp với sự tham gia hướng dẫn/ đồng hướng dẫn của giảng viên nước ngoài, chủ yếu từ Pháp. Trong quá trình học tiến sĩ, nghiên cứu sinh tham gia các đề tài nghiên cứu; các khóa học định hướng, phát triển kỹ năng nghề nghiệp do USTH tổ chức; các hội thảo quốc gia, quốc tế; thực tập ngắn hạn tại Pháp. Không chỉ vậy USTH có chính sách hỗ trợ nghiên cứu sinh đa dạng như học bổng cho nghiên cứu sinh có thành tích xuất sắc hay có cơ hội tham gia trợ giảng và được trả lương theo quy định tại trường. Nghiên cứu sinh cũng được yêu cầu công bố tối thiểu 01 bài báo SCIE (NCS là tác giả chính) khi bảo vệ.
PGS. TS. Đinh Thị Mai Thanh cũng báo cáo những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai hoạt động đào tạo tiến sĩ tại USTH. Cụ thể: chương trình đào tạo toàn thời gian bằng tiếng Anh; chính sách hỗ trợ sinh hoạt phí cho nghiên cứu sinh còn mới, mức hỗ trợ hạn chế, và chưa có chính sách cho nghiên cứu sinh quốc tế.
Sau khi nghe báo cáo của Viện Hàn lâm và các báo cáo của 3 đơn vị đào tạo, các thành viên đoàn công tác và các đại biểu dự họp đã trao đổi thảo luận nhiều nội dung.
Các ý kiến của đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung Báo cáo của Viện Hàn lâm, các nội dung nêu trong báo cáo đã bảo đảm đầy đủ những vấn đề trọng tâm, đáp ứng yêu cầu giám sát. Bên cạnh đó, các đại biểu đã cho ý kiến về kết quả đạt được; tồn tại, hạn chế; nguyên nhân. Một số ý kiến về những giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ trong thời gian tới; các ý kiến đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền về công tác đào tạo trình độ tiến sĩ tại các cơ sở đào tạo của Viện Hàn lâm.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, PGS.TS. Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh tầm quan trọng của đào tạo trình độ tiến sĩ nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Do đó mục tiêu của chuyên đề là giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ nhằm phát hiện điểm hay, cách làm tốt để từ đó biểu dương, nhân rộng cũng như nhìn nhận mặt hạn chế để từ đó đưa ra đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền, nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách nâng cao chất lượng trong đào tạo trình độ tiến sĩ.
PGS.TS. Nguyễn Đắc Vinh đánh giá cao Viện Hàn lâm là nơi đào tạo hàng đầu tiến sĩ chuyên ngành về khoa học công nghệ. Hiệu quả đào tạo của Viện Hàn lâm đóng góp nguồn lực quan trọng cho sự phát triển khoa học công nghệ của đất nước.