Đoàn Tiến Tài – cựu thạc sĩ Công nghệ thông tin và Truyền thông (ICT) chia sẻ về trải nghiệm thú vị trong khoảng thời gian 5 năm gắn bó với USTH và đam mê khám phá lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Chào Tài, cảm ơn Tài đã nhận lời phỏng vấn. Trước hết, Tài có thể cho biết cơ duyên nào khiến bạn biết đến và quyết định học ngành ICT tại USTH trong khi tại Việt Nam cũng có rất nhiều trường đại học lâu đời, uy tín đào tạo về lĩnh vực này?
Theo đuổi ngành Công nghệ thông tin và Truyền thông từ những năm THPT, mình đã xác định hai tiêu chí quan trọng trong lựa chọn trường Đại học. Thứ nhất là đúng chuyên ngành, thứ hai là chương trình giảng dạy bằng Tiếng Anh. Khi tìm hiểu về ngành ICT của USTH, mình “phải lòng” ngay và lập tức nộp hồ sơ ứng tuyển.
Khi học phổ thông, mình không có nhiều môi trường để thực hành ngoại ngữ, trình độ tiếng Anh lúc đó còn hạn chế nên trước buổi phỏng vấn mình khá run. Nhưng khi bước vào buổi phòng vấn, chính sự thân thiện và ân cần của các thầy cô đã khiến mình lấy lại bình tĩnh để trả lời các câu hỏi. Đến bây giờ mình vẫn không quên lời thầy Pierre Sebban – nguyên hiệu trưởng nhà trường khi trao giấy báo trúng tuyển cho mình, thầy nói: “Chúng tôi sẽ nhận em, nhưng em sẽ phải thực sự cố gắng”. Câu nói ấy đã trở thành nguồn động lực to lớn cho mình trong suốt những năm tháng sinh viên. Mình thực sự biết ơn các thầy cô trong hội đồng vì đã tin tưởng và trao cho mình cơ hội học tập tại USTH.
Bạn có thể chia sẻ trải nghiệm đáng nhớ khi học tại USTH không?
Bản thân mình rất ấn tượng về phương châm “Learning by doing” của các thầy cô ở USTH, được thể hiện qua các bài tập lớn và các dự án nhóm xuất hiện trong tất cả các môn học. Qua các dự án này, mình có cơ hội ứng dụng kiến thức lý thuyết vào những vấn đề hết sức thực tiễn, rèn luyện khả năng lập trình và đặc biệt là kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả.
Ví dụ khi học môn Human-Computer Interaction dạy về những nguyên tắc trong thiết kế giao diện phần mềm, lúc đầu mình nghĩ một phần mềm tốt chỉ cần cung cấp đầy đủ những tính năng để giải quyết nhu cầu của người sử dụng. Tuy nhiên, khi tham gia vào Bài tập lớn về xây dựng một phần mềm hiển thị video với các tính năng mở rộng, mình mới vỡ ra rằng tính thân thiện với người dùng lại là yếu tố vô cùng quan trọng. Cho dù một phần mềm được làm ra có nhiều tính năng đến đâu chăng nữa, mà giao diện của nó không đem lại trải nghiệm thuận tiện cho người dùng thì sớm muộn cũng bị đào thải. Từ đó, mình đã hình thành thói quen đặt bản thân vào vị trí người sử dụng mỗi khi xây dựng bất kể phần mềm nào, phải tính toán làm sao để nó trở nên đơn giản và dễ dùng nhất có thể.
Sau khi kết thúc hệ thạc sĩ, Tài đã giành được học bổng CIFRE – một trong những học bổng kỹ sư lớn nhất ở Pháp. Các kiến thức và kĩ năng học tại USTH có giúp ích cho Tài trong quá trình xin học bổng không?
5 năm gắn bó với USTH (3 năm hệ Đại học và 2 năm hệ Thạc sĩ) là bước đệm vô cùng quan trọng giúp mình nhận được học bổng này. Một trong những kỹ năng mình được rèn luyện nhiều nhất là khả năng suy nghĩ độc lập và ý thức tự học cao. Việc tự học, tự đọc, tự nghiên cứu đóng vai trò nòng cốt giúp mình nắm chắc kiến thức căn bản cũng như mở rộng, nhất là trong ngành ICT, nơi mà sự thay đổi diễn ra từng ngày, từng giờ. Nhờ đó, mình hoàn toàn tự tin khi nộp hồ sơ hay trong các buổi phỏng vấn học bổng.
Hơn hết, mình học được ở môi trường USTH tính cẩn thận và sự trung thực trong học thuật. Điều này rất hữu ích trong quá trình xin học bổng vì mình đã hình thành thói quen kiểm tra kĩ thông tin khi chuẩn bị giấy tờ hay phỏng vấn để đảm bảo sự chính xác. Đặc biệt, ở trường, mọi hình thức gian lận trong quá trình làm bài tập và kiểm tra đều bị xử lý cực kỳ nghiêm khắc, bởi lẽ việc sao chép là điều tối kỵ với người làm khoa học. Do đó, mình ý thức sâu sắc tầm quan trọng của đạo đức nghề nghiệp, yếu tố cơ bản nhất trong bất kỳ ngành nghề nào.
Hiện tại khi đang sống và học, làm việc tại Pháp, Tài có gặp phải khó khăn gì khi hòa nhập vào môi trường ở một nước phương Tây?
Rất may là không. Trong thời gian học ở USTH, mình có cơ hội được thực tập ở Thái Lan (Đại học) và Pháp (Thạc sĩ), đã 2 lần trải nghiệm cuộc sống của một du học sinh, nên lần này trở lại Pháp mình có thể nhanh chóng ổn định cuộc sống và tập trung vào chuyên môn.
Bên cạnh đó, ở USTH, tinh thần học hỏi và chia sẻ lẫn nhau được đánh giá rất cao. Đến khi qua Pháp, mình nhận thấy môi trường nghiên cứu và làm việc ở đây cũng giống như vậy, tất cả mọi người đều sẵn sàng trao đổi và lắng nghe ý kiến của nhau, nhờ đó mình có thể bắt kịp với đồng nghiệp dễ dàng, học hỏi và thậm chí chia sẻ kinh nghiệm với những đồng nghiệp khác.
Bạn có thể chia sẻ một chút về định hướng nghề nghiệp tương lai được không?
Kể từ lần thực tập năm ngoái (ĐH Paris 13), mình đã bắt đầu đặc biệt quan tâm đến việc ứng dụng của công nghệ Deep Learning vào xử lý và chẩn đoán hình ảnh y khoa, và đề tài Tiến sĩ của mình hiện nay cũng thuộc lĩnh vực này. Sau khi hoàn tất luận văn Tiến sĩ, mình sẽ tiếp tục theo đuổi niềm đam mê trí tuệ nhân tạo. Trở lại Việt Nam, mình mong muốn tìm kiếm những đối tác có cùng đam mê nhằm xây dựng được một start-up ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong việc xử lý hình ảnh y khoa. Chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn ở phía trước, nhưng phải dám đương đầu với thử thách mới biết được khả năng của mình đến đâu. Cho dù thành công hay thất bại thì thứ mà mình luôn đạt được sẽ là trải nghiệm mới mẻ và những bài học quý giá.
Trước khi kết thúc buổi phỏng vấn, Tài có lời khuyên nào muốn gửi đến các bạn sinh viên có cùng đam mê với ICT như mình không?
Theo mình, điều quan trọng nhất khi phân vân trước các sự lựa chọn là các bạn phải xác định rõ con đường mà mình muốn theo đuổi.
Sau khi tốt nghiệp đại học, mình cũng từng cân nhắc việc đi làm ngay để sớm độc lập về tài chính. Thế nhưng khi đó lòng đam mê nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, mong muốn được tìm hiểu sâu hơn về lĩnh vực này đã thôi thúc mình quyết định học tiếp lên cao. Mình cũng nhận ra rằng, học Thạc sĩ sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn so với dừng lại ở hệ Đại học, ví dụ như khả năng đảm đương các vị trí quản lý hay xin học bổng nghiên cứu sinh tại nước ngoài.
Mặc dù vậy, theo đuổi sự nghiệp học tập và nghiên cứu không hề dễ dàng, nó không chỉ đòi hỏi niềm đam mê thật sự, mà còn cần các bạn có lòng kiên trì và tinh thần quyết tâm cao. Mình vẫn nhớ trong quá trình học có không ít những bài tập khó khiến mình muốn bỏ cuộc, hay nhiều lần nộp hồ sơ xin học bổng tiến sĩ bị từ chối. Tuy nhiên con đường nào mà chẳng có chông gai, và mỗi lần vượt qua được những khó khăn ấy, mình nhận thấy bản thân trưởng thành hơn, tin tưởng hơn vào sự lựa chọn của mình và niềm đam mê công nghệ thông tin cũng từ đó mà lớn dần theo năm tháng.
Nếu đam mê cho bạn lí do để khởi đầu, thì kiên trì sẽ là động lực đưa bạn tới đích. Chúc các bạn sinh viên USTH sẽ sớm tìm được đam mê thật sự và kiên trì gắn bó với niềm đam mê ấy, vượt qua mọi khó khăn và gặt hái những thành công phía trước.
Cảm ơn Tài vì những chia sẻ chân thành của bạn!
Đoàn Tiến Tài, sinh năm 1994 tại Hải Dương và lớn lên tại Hà Nội. Tiến Tài học khóa Đại học (2012-2015) và Thạc sĩ (2015-2017) chuyên ngành ICT tại USTH. Hiện tại, Tài đang làm đề tài Tiến sĩ về ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong công nghệ chỉnh nha, tại công ty Dental Monitoring, phối hợp với phòng thí nghiệm IBISC, ĐH Évry Val d’Essonne – Paris Saclay.
Học bổng CIFRE (Convention Industrielle de Formation par la Recherche) là học bổng dành cho các sinh viên trẻ đã có bằng Thạc sĩ (Master) hoặc bằng Kỹ sư (Diplôme d’école d’ingénieur) có thể thực hiện luận án Tiến sĩ tại một doanh nghiệp cụ thể trên cơ sở phối hợp với một cơ sở giáo dục-đào tạo ngoài doanh nghiệp. Đề tài Tiến sĩ phải liên quan tới chương trình nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp.