Chiều ngày 26/12/2022, Lễ công bố 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật năm 2022 đã được tổ chức với sự phối hợp của Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Bình chọn danh sách 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật là hoạt động do CLB Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam khởi xướng, nhằm động viên và ghi nhận cống hiến của các nhà khoa học, tập thể các nhà khoa học từng năm trên các lĩnh vực: cơ chế chính sách; khoa học tự nhiên; khoa học xã hội; nghiên cứu ứng dụng; và tôn vinh nhà khoa học. Năm 2022 là lần thứ 17 cuộc bình chọn diễn ra với sự tham gia của hơn 40 phóng viên chuyên theo dõi lĩnh vực Khoa học và Công nghệ các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
Cụm công trình về các nghiên cứu ứng dụng của công nghệ chỉnh sửa gen nhằm cải tiến cây trồng của TS. Tô Thị Mai Hương – Phó Trưởng ban Nghiên cứu, Đổi mới và Chuyển giao công nghệ, cùng nhóm nghiên cứu tại Khoa Khoa học Sự Sống của USTH và nhóm nghiên cứu Công nghệ tế bào thực vật tại Viện Công nghệ Sinh học (IBT) trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã được bầu chọn là một trong mười sự kiện khoa học công nghệ nổi bật năm 2022.
Công trình đã áp dụng thành công công nghệ đột phá về chỉnh sửa gen để nghiên cứu chức năng của các gen cũng như ứng dụng công nghệ này để cải tiến các giống cây trồng trọng điểm của Việt Nam nhằm gia tăng năng suất, chất lượng cùng khả năng chống chịu với sâu bệnh và ngoại cảnh bất lợi, phục vụ cho phát triển nông nghiệp bền vững.
Đại diện 2 nhóm nghiên cứu, TS. Tô Thị Mai Hương đã có phỏng vấn ngắn với chúng tôi sau buổi Lễ:
Xin chúc mừng chị và nhóm nghiên cứu, xin chị giải thích rõ hơn về ý nghĩa của cụm công trình được bầu chọn là một trong 10 sự kiện khoa học và công nghệ năm 2022.
Cụm công trình được lựa chọn là về các nghiên cứu ứng dụng của công nghệ chỉnh sửa gen nhằm cải tiến cây trồng.
Công nghệ chỉnh sửa hệ gen thông qua hệ thống CRISPR/Cas đang được xem là phương pháp chính xác và hiệu quả nhất được sử dụng trong cải tạo giống cây trồng hiện nay do nó cho phép tạo ra các đột biến theo định hướng, có thể tác động tới nhiều gen cùng một lúc và đặc biệt là các đột biến tạo được không mang theo bất cứ trình tự DNA ngoại lai trong hệ gen. Khác với biến đổi gen thông thường vẫn để lại các trình tự gen ngoại lai (transgene), chỉnh sửa gen không để lại dấu vết mà tạo ra những đột biến giống như những đột biến tự nhiên xuất hiện sau rất nhiều thế hệ để thích nghi với môi trường.
Kể từ khi được khám phá vào năm 1987, CRISPR/Cas đang được ứng dụng rộng rãi trên nhiều đối tượng nghiên cứu khác nhau như vi sinh vật, thực vật, động vật và cả trên tế bào người.
Ở cụm công trình này, nhóm từ USTH tập trung vào các nghiên cứu trên lúa – một cây lương thực quan trọng nhất của Việt Nam, nhằm nghiên cứu chức năng các gen có liên quan tới khả năng đáp ứng với stress phi sinh học như hạn hán, thiếu dinh dưỡng như Phosphate, Silic … Bên cạnh đó, nhóm Công nghệ tế bào thực vật (IBT) cũng cùng định hướng phát triển và ứng dụng hệ thống CRISPR/Cas9 trong cải tạo giống cây trồng với các tính trạng quan trọng như tăng năng suất, chất lượng, chống chịu với sâu bệnh và ngoại cảnh bất lợi. Nhóm đã thành công trong việc sử dụng công nghệ này để cải thiện chất lượng hạt đậu tương hay khả năng kháng virus trên cây thuốc lá, đu đủ. Hiện tại, cả 2 nhóm tiếp tục phát triển công nghệ CRISPR/Cas9 trong nâng cao tính chống chịu với bệnh trên đậu tương, dưa chuột; tăng cường tính chịu mặn hay thiếu hụt dinh dưỡng của cây lúa; và nâng cao giá trị dinh dưỡng của quả cà chua.
Với chị và nhóm nghiên cứu, việc được lựa chọn là 1 trong 10 sự kiện khoa học và công nghệ của năm có ý nghĩa như thế nào?
Việc cụm công trình nghiên cứu được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện khoa học công nghệ của năm là một sự ghi nhận to lớn về mặt tinh thần, thúc đẩy nỗ lực của nhóm, xây dựng đam mê và cống hiến của nhóm nghiên cứu cho xã hội.
Không chỉ vậy, sự kiện còn là cầu nối giữa truyền thông và các nhà khoa học, giúp xã hội có cái nhìn gần gũi hơn với công việc nghiên cứu khoa học, nuôi dưỡng đam mê khoa học cho thế hệ trẻ. Tôi hy vọng rằng sẽ có nhiều bạn trẻ quan tâm hơn tới nghiên cứu khoa học, tới các mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDG) của Liên hợp quốc.
VTV1 đưa tin về sự kiện
Chị và nhóm nghiên cứu kỳ vọng và có kế hoạch tiếp theo thế nào để phát triển nghiên cứu này ?
IBT và USTH là hai trong những đơn vị tiên phong tiếp cận, phát triển về công nghệ chỉnh sửa gen thông qua hệ thống CRISPR/Cas ở Việt Nam. Nhằm huy động tối đa nguồn nhân lực và cơ sở vật chất của 2 bên, hai nhóm nghiên cứu đã bắt đầu hợp tác chặt chẽ trong các dự án lớn cấp Viện Hàn Lâm, cấp nhà nước (Bộ NNPTNT) cũng như dự án tài trợ của doanh nghiệp (VINGROUP). Nhóm nghiên cứu chung sẽ tiếp tục ứng dụng hệ thống CRISPR/Cas9 để nghiên cứu chức năng gen và cải tạo giống cây trồng trên với các tính trạng quan trọng như tăng năng suất, chất lượng, chống chịu với sâu bệnh và ngoại cảnh bất lợi.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng đẩy mạnh hợp tác với các trường, viện nghiên cứu mạnh trên thế giới về chỉnh sửa gen như: Viện nghiên cứu lúa quốc tế IRRI, trường Khoa học sự sống của Đại học Kyung Hee, trường Đại học Quốc gia Gyeongsang (Hàn Quốc), trường Đại học Misourie (Mỹ) và trường Đại học Greenweek (Scotland) nhằm tiếp tục cập nhật công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR/Cas9, công nghệ chỉnh sửa gen chính xác như Base editing, Prime editing…và mở rộng các đối tượng ứng dụng trên cây trồng khác nhau như lúa, ngô, đậu tương, dưa chuột, cà chua…
Chị có thể chia sẻ thông điệp của mình tới những bạn trẻ còn băn khoăn lựa chọn các lĩnh vực như Khoa học Nông nghiệp – những lĩnh vực không thể thiếu trong tương lai?
Một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất và cần sự đổi mới và các đột phá sáng tạo nhất là Nông nghiệp. Trước một tương lai bất định khi dân số tăng quá nhanh, biến đổi khí hậu toàn cầu khó lường, và các nguồn bệnh dịch mới nổi, tất cả các yếu tố này luôn đe dọa tới nền an ninh lương thực thế giới. Tôi rất mong các bạn trẻ khi chọn lựa định hướng nghề nghiệp, sẽ quan tâm hơn tới những lĩnh vực khoa học, sáng tạo công nghệ mang đến sự thay đổi quan trọng trong cuộc sống của con người và tạo ra sự phát triển bền vững cho tương lai. Chúng ta thực sự “cần nhiều bộ óc hơn, nhiều người bạn trẻ tham gia nghiên cứu hơn để cùng suy nghĩ về cách giải quyết những những thách thức về nông nghiệp bền vững”.