GS. VS. Nguyễn Văn Hiệu là một nhà nghiên cứu vật lý nổi tiếng với hàng trăm công trình về vật lý lý thuyết công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành thế giới, ông trở thành viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô và viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học thế giới thứ 3 khi tuổi đời còn khá trẻ, GS. Nguyễn Văn Hiệu đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp đào tạo các thế hệ trẻ có tài năng trong nghiên cứu và giảng dạy khoa học công nghệ. Triển khai ý tưởng xây dựng hệ thống các trường đại học đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam, ông là người dành nhiều tâm huyết trong các cuộc đàm phán kéo dài tới 3 năm giữa Chính phủ Pháp và Chính phủ Việt Nam về việc thành lập Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, nơi sẽ đào tạo ra các nhà nghiên cứu và giảng dạy đẳng cấp quốc tế.
Những ngày đầu tiên mới thành lập Trường bắt đầu với 5 không: Không trụ sở, không văn phòng, không phòng thí nghiệm, không giảng viên, không kinh phí. Với uy tín của mình, GS. Nguyễn Văn Hiệu đã vận động các viện nghiên cứu chuyên ngành trong Viện Hàn lâm nhường phòng làm việc của mình để Hiệu trường người Pháp và hai Phó Hiệu trưởng người Việt Nam có chỗ làm việc. Năm học 2010-2011 đã được khai giảng đúng hạn và các lớp học, mặc dù thường xuyên di chuyển từ tòa nhà này sang tòa nhà khác vẫn hoạt động bình thường. Thầy Hiệu hàng tuần họp với Ban Giám hiệu với tư cách là Cố vấn nhằm tháo gỡ từng vướng mắc, khó khăn, kêu gọi các viện chuyên ngành cử cán bộ tham gia dự tuyển giảng viên thỉnh giảng, cho phép sử dụng phòng thí nghiệm phục vụ hoạt động thực hành, nghiên cứu của sinh viên và giảng viên của USTH, trên cơ sở đó từng bước ổn định dần hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của nhà trường.
Triết lý đào tạo của thầy Hiệu thật giản dị nhưng rất thiết thực: “Làm sao dạy được cho các học trò của mình: Nếu trở thành kỹ sư trong nhà máy thì làm việc thật tốt, nếu làm nhà khoa học thì có nhiều phát minh, sáng chế, nếu làm thầy giáo thì giảng bài thật hấp dẫn và truyền thụ được nhiều kiến thức cho học trò…”. Mặc dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn tràn đầy nhiệt huyết, sôi nổi, đóng góp nhiều sáng kiến vào chiến lược phát triển USTH. Cho đến tận hôm nay, thầy trò USTH vẫn thấy rằng, GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu đã truyền cảm hứng tích cực cho thế hệ các nhà khoa học trẻ hăng say học tập, nghiên cứu để chiếm lĩnh những lĩnh vực khoa học và công nghệ mới ví dụ như ngành khoa học và công nghệ nano.
Ước mơ dang dở của thầy Hiệu đối với các lớp sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh mà thầy đã từng chọn lọc để lập nên các nhóm “tài năng”, giành cho họ học bổng từ những khoản thù lao của cá nhân thầy, chỉ mong họ học giỏi để phục vụ sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ nước nhà.
Là một nhà vật lý kiệt xuất đẳng cấp quốc tế, là người đi tiên phong, khai mở nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ cao cho đất nước; đồng thời là một nhà tổ chức, quản lý, lãnh đạo khoa học tài ba; là người thầy đã đào tạo, truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ cán bộ khoa học công nghệ; người đã xây dựng, thúc đẩy mạnh mẽ nhiều kênh hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ…, ở cương vị nào, GS. VS. Nguyễn Văn Hiệu cũng đều đạt được đỉnh cao, và có sức mạnh lan tỏa năng lượng tích cực cho cộng đồng. Khi chia sẻ về hành trình đã trải qua, ông nhấn mạnh: “Để thành công trong khoa học trước hết phải có niềm đam mê nghiên cứu khoa học, nỗ lực học tập và luôn theo sát để biết về những thành tựu khoa học mới nhất trên thế giới trong lĩnh vực chuyên môn của mình”.
GS. VS. Nguyễn Văn Hiệu đã đi về cõi vĩnh hằng, nhưng với những dấu ấn không thể phai mờ để lại trong sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy, ông là nhân vật truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học và là tấm gương sáng đẹp cho giới trí thức khoa học công nghệ Việt Nam. Cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên USTH nguyện noi gương ông trong học tập, nghiên cứu khoa học, giảng dạy và tầm nhìn quản lý nhằm đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.