Ngày 20/04/2023, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) đã chào đón GS. Morten P. Meldal, chủ nhân giải thưởng Nobel Hóa học 2022, đến thăm và chia sẻ bài giảng đại chúng với chủ đề “Hóa học Click” trước các giảng viên, nhà nghiên cứu và sinh viên trong và ngoài Trường.
“Hóa học Click” hay “phản ứng Click” là các quá trình hóa học kết nối những phân tử cấu trúc nhỏ thành phân tử lớn hơn thông qua các nhóm chức một cách nhanh chóng và hiệu quả. Phản ứng Click có độ chính xác, độ chọn lọc, hiệu suất phản ứng cao và không hình thành sản phẩm phụ.
Trong bài giảng với cộng đồng khoa học tại USTH, GS Morten đã giới thiệu sơ lược về hóa tổ hợp và phản ứng Click. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh rằng sự phát triển của Hóa học Click sẽ mở ra kỷ nguyên tổng hợp hóa học mới với cấu trúc sản phẩm được thiết kế theo mục đích, được chứng minh hiệu quả trong việc “chức năng hóa” các đối tượng sinh học, lập bản đồ ADN, phát triển dược phẩm, điện tử, vật liệu polyme chức năng… và trong rất nhiều ứng dụng khác.
“Một trong những lý do mà tôi nghĩ rằng Hóa học Click được lựa chọn trao giải Nobel là bởi nó rất “xanh”. Nó có thể được thực hiện ở những điều kiện rất đơn giản, rất thân thiện với môi trường, ví dụ như dung môi là nước, không cần quá nhiều các điều kiện phức tạp đi kèm như nhiệt độ phải ra sao… Đó là lý do mà tôi cho rằng cần phải khám phá nhiều hơn những kiểu click như thế, để phát triển hóa học “xanh” hơn, thân thiện với môi trường hơn, giải quyết được nhiều bài toán của cuộc sống hơn”, GS Meldal cho biết.
Thời điểm “vàng” để các bạn trẻ tiếp cận với Hóa học
Trước khi đến Việt Nam, GS Morten đã tìm hiểu về nền Hóa học của Việt Nam. Môn học này thường được giảng dạy bắt đầu từ lớp 7-8. Trong khi đó, Hóa học là nền tảng của những ngành khoa học khác và có thể nói tất cả mọi thứ đều xoay quanh nó. Do vậy, ông cho rằng việc dạy và học Hóa học khoảng ở lớp 8 – lứa tuổi mà trẻ bắt đầu hình thành tính cách và có một số nhận định nhất định về thế giới xung quanh – là hơi muộn. “Cần dạy Hóa học cho các bạn trẻ càng sớm càng tốt, đặc biệt ở lứa tuổi mà trẻ còn rất hiếu động, quan sát các hiện tượng xung quanh sẽ rất tốt để trẻ có thể tiếp thu những thông tin mới một cách dễ dàng hơn” – GS Morten chia sẻ.
Theo ông: “Hóa học cần cho việc sản xuất, sử dụng và tích trữ năng lượng sạch một cách thông minh. Ở Việt Nam có rất nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên, nếu có cách tiếp cận thông minh về Hóa học, đó sẽ là nguồn lực rất lớn để phát triển. Đó cũng là những cơ hội rất lớn cho những người trẻ lựa chọn Hóa học để theo đuổi. Có rất nhiều cơ hội để thay đổi thế giới với Hóa học, nhưng quan trọng việc đầu tiên là để người trẻ thích thú với nó”.
Vì thế, việc khuyến khích các bạn trẻ tiếp cận sớm với Hóa học hứa hẹn sẽ mang đến những đột phá trong lĩnh vực này.
Vượt qua thất bại để nối dài đam mê
Không hề dễ dàng để theo đuổi con đường nghiên cứu. Câu chuyện thất bại xảy ra thường xuyên với các nhà khoa học, đặc biệt là người trẻ. Hồi tưởng lại khoảng thời gian làm nghiên cứu sinh, GS Mortel cũng gặp phải rất nhiều khó khăn. “Trải qua 1 năm rưỡi theo đuổi nghiên cứu, chúng tôi nhận ra không thể thực hiện được phản ứng đó. Đây là vấn đề nhiều nhà khoa học trẻ gặp phải. Tôi tin là vậy. Và tôi chọn cách để vượt qua nó, đó là tự tìm kiếm các nguồn năng lượng khác để cân bằng và tiếp tục làm việc chăm chỉ hơn nữa”– GS Morten chia sẻ.
Ngoài ra, việc thiếu kinh phí cũng là một trong những vấn đề mà các nhà hóa học trẻ phải đối mặt. Giải pháp ông đưa ra chính là cần tìm kiếm thêm các cơ hội hợp tác thông qua việc duy trì mối quan hệ tốt với các đồng nghiệp, nhất là những người hướng dẫn.
Và ý nghĩa quan trọng với USTH
PGS.TS Đinh Thị Mai Thanh – Hiệu trưởng Nhà trường đã nhấn mạnh rằng việc mời GS Morten P. Meldal đến thuyết giảng tại một ngôi trường chuyên đào tạo lĩnh vực khoa học công nghệ là vô cùng ý nghĩa. USTH đã thực sự trở thành điểm đến uy tín của những “cây đại thụ” hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, qua bài giảng của GS Morten, các sinh viên và nhà khoa học đã được truyền cảm hứng để tiếp tục nối dài sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Đồng thời, những chia sẻ của ông đã giúp người nghe hình dung được hành trình đầy gian nan để chinh phục đỉnh cao vinh quang của những nhà khoa học xuất sắc.
Hơn hết, sự kiện này cho thấy sự nỗ lực không ngừng của Nhà trường nhằm tạo mọi điều kiện tốt nhất mang đến môi trường giảng dạy, học tập lý tưởng cho giảng viên và sinh viên.
Một số hình ảnh khác tại sự kiện: