Hồ Thị Anh Đào là cựu sinh viên ngành Hóa học và học viên Thạc sĩ ngành Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano của USTH. Vừa qua, Anh Đào đã chinh phục thành công học bổng chương trình Tiến sĩ tại Đại học Queen’s (Canada) sau hàng loạt các học bổng khác xuyên suốt 5 năm học tại USTH. Mời các bạn cùng đón đọc câu chuyện của cô gái cá tính và thông minh này trong bài viết dưới đây.
Chọn thách thức để bứt phá
Theo một cách tự nhiên nào đó, Anh Đào đã “cảm nắng” môn Hóa học ngay từ cấp II. Cô bạn đã nung nấu và lên kế hoạch trở thành một nhà Hóa học thực thụ vì niềm đam mê với bộ môn này. Tuy nhiên, năm lớp 11 – thời điểm chuẩn bị cho những nấc thang quan trọng, Đào thực sự phải đối mặt với áp lực về câu chuyện chọn ngành, chọn trường để có công việc lương cao sau khi tốt nghiệp. Do đó, cô bạn đã nghe theo lời khuyên của gia đình chuyển sang học khối B để thi vào các trường Y hoặc Dược.
Thế nhưng, cơ duyên kỳ diệu đã xảy đến. Anh Đào nhớ lại: “Mãi đến tận năm lớp 12, trong một lần lướt Facebook, mình mới tình cờ nhìn thấy và “phải lòng” cụm từ “USTH – du học tại chỗ”. Qua tìm hiểu, mình cực kỳ ấn tượng với môi trường học tập quốc tế của USTH. Hơn nữa, nơi đây có ngành học mà mình yêu thích từ lâu. Vì vậy, ước mơ trở thành nhà Hóa học lần nữa thôi thúc mình quyết tâm đăng ký vào trường.”
Chọn USTH, Anh Đào nhìn thấy nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. 5 năm trước, với Đào, việc đi du học là một điều không tưởng. Thời cấp III, cô bạn là học sinh của một trường THPT ở huyện lẻ của tỉnh Quảng Ngãi. Vì thế, Đào chưa có nhiều cơ hội để trau dồi năng lực tiếng Anh như nhiều bạn bè khác ở các thành phố lớn. Đồng thời, Đào cũng không xuất phát từ trường chuyên lớp chọn. Trong cô gái đến từ miền Trung đầy nắng gió chỉ vẻn vẹn là tình yêu với Hóa học và một niềm khao khát mãnh liệt: giành học bổng đi du học.
Chọn USTH chứ không phải bất kỳ một ngôi trường nào khác
Không phụ sự kỳ vọng, USTH đã mang đến cho Anh Đào môi trường học tập quốc tế năng động. Không chỉ được đào tạo về khoa học một cách bài bản hoàn toàn bằng tiếng Anh, cô bạn còn có cơ hội bồi đắp thêm ngoại ngữ thứ hai là tiếng Pháp. Bên cạnh đó, Nhà trường luôn tạo mọi điều kiện để sinh viên được gặp gỡ, kết nối với những nhà khoa học xuất sắc từ nhiều quốc gia khác nhau, đặc biệt là những “cây đại thụ” của giới khoa học. Trong đó, 2 nhà khoa học đoạt giải Nobel đều đã đến thăm và giảng bài tại USTH (GS. Duncan Haldane – chủ nhân giải Nobel Vật lý năm 2016 với bài giảng “Topological quantum matter, entanglement, and the second quantum revolution” năm 2022; GS. Morten P. Meldal – chủ nhân giải Nobel Hóa học năm 2022 với bài giảng “Hóa học Click” năm 2023). Qua những bài giảng này, cô bạn không những được tiếp cận những ý tưởng mới mẻ mà còn được truyền động lực rất nhiều trên con đường nghiên cứu khoa học. Vì vậy, Anh Đào cho rằng USTH thực sự đã mang đến cho cô bạn những trải nghiệm khoa học vô cùng đắt giá.
Mặt khác, môi trường quốc tế mà Đào đề cập đến còn được thể hiện qua hệ thống phòng thí nghiệm “triệu đô” – thiên đường thực hành của sinh viên trường USTH. Tại đây, hàng loạt các thiết bị công nghệ cao được trang bị giúp sinh viên trau dồi kỹ năng làm việc. Những thiết bị, máy móc này đều tương đồng trong môi trường doanh nghiệp hay các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu khác trên thế giới. Do đó, sinh viên USTH có thêm một lợi thế lớn để thích nghi nhanh khi gia nhập thị trường lao động.
Đi ngược lại với số đông
Khi lựa chọn theo đuổi khoa học, Anh Đào biết rằng mình đang đi ngược lại quan điểm của số đông. Đào chia sẻ: “Mình biết rằng khi phụ nữ theo đuổi khoa học, mọi người xung quanh thường ngăn cản vì họ cho rằng “phụ nữ + STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) = hy sinh”. Cũng chính vì lẽ đó, rất nhiều nữ sinh đã chùn bước và đưa ra lựa chọn “an toàn” thay vì theo đuổi đam mê khoa học. Cá nhân mình tin rằng phụ nữ theo đuổi khoa học là những người cá tính và kiên trì hướng đến những giá trị “lãng mạn” riêng biệt. Và mình nghĩ chìa khóa để nữ giới vượt ra khỏi định kiến trên là ”niềm tin vào bản thân”.
Chọn ngành Hóa, Anh Đào dần được khai phá thêm về những ứng dụng của Hóa học cho các vấn đề phát triển bền vững như môi trường, năng lượng tái tạo, tái chế vật liệu, … Thì ra, ngành học này không chỉ loanh quanh những phản ứng hóa học, những bài tập đòi hỏi sự tính toán như thường được giảng dạy thời phổ thông. Ở USTH, cô bạn vừa thu nạp vốn tri thức mới lạ, khổng lồ, vừa mở rộng tầm nhìn về ngành khoa học thú vị này cũng như triển vọng của nền công nghiệp Hóa học trong tương lai.
Sau khi tốt nghiệp, thay vì xả hơi sau quá trình học tập liên tục, Đào chọn học tiếp Thạc sĩ ngành Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano ở USTH. Lòng ham hiểu biết đã thôi thúc cô bạn “lấn sân” sang lĩnh vực vật liệu. Nếu Hóa học là ngành khoa học cơ bản – cầu nối trung tâm với các ngành tự nhiên khác thì khoa học vật liệu là ứng dụng dựa trên nền tảng ngành Hóa. Song song với quá trình học tập, cô bạn cùng một lúc đảm đương nhiều công việc khác nhau như tham gia nghiên cứu và làm trợ giảng cho các thầy cô. Những bước đi này đã giúp Anh Đào không những tích lũy thêm nhiều kỹ năng quan trọng như khả năng quản lí thời gian, chịu áp lực cao, mà còn tạo điều kiện để cô gái bản lĩnh giành cú đúp học bổng Thạc sĩ (M2) tại 2 trường Đại học lớn của Pháp là Đại học Paris Cité và Đại học Toulouse III-Paul Sabatier.
Và bí quyết tạo nên “cơn mưa” học bổng
Để ứng tuyển học bổng, ngoài việc chuẩn bị tốt hồ sơ học thuật/nghiên cứu và tích lũy kỹ năng làm việc từ sớm, Anh Đào nhấn mạnh rằng: “Hãy chuẩn bị một tâm hồn đẹp. Tâm hồn đẹp ở đây là sự chân thành với những gì mình làm, luôn sẵn sàng và mạnh dạn lựa chọn thử thách bản thân khi có thể”.
Trong các hồ sơ ứng tuyển học bổng của mình, Anh Đào đã nhắc đến kế hoạch “pay-it-forward” (tạm dịch: Trả ơn bằng cách cho đi) trong tương lai. Đào cho biết: “Tuổi thơ mình lớn lên ở một vùng quê của Quảng Ngãi – nơi không có nhiều tài nguyên và thường xuyên đối mặt với thiên tai. Vì thế, nhiều gia đình không đủ điều kiện cho con vào phổ thông hay đại học. Chứng kiến những điều đó, mình cảm thấy bản thân thật may mắn vì mặc dù điều kiện gia đình không dư dả nhưng bố mẹ vẫn hết lòng ủng hộ và tạo mọi điều kiện cho mình theo học ở một ngôi trường quốc tế. Vậy nên, mình luôn kỳ vọng trong tương lai, mình sẽ trở thành giảng viên và tham gia các hoạt động dạy học tình nguyện cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn”.
Khi chia sẻ về lý do ứng tuyển học bổng của trường Đại học Queen’s (Canada), Anh Đào cho biết bản thân có định hướng rõ ràng và đã lên kế hoạch tham gia nghiên cứu về lĩnh vực năng lượng tái tạo trong tương lai. Tại Queen’s, tham gia nghiên cứu về hệ thống xúc tác điện hóa cho phản ứng khử CO2 hứa hẹn mở ra cho Đào nhiều cơ hội tiếp xúc các công nghệ có thể áp dụng thực tiễn. Nhưng đặc biệt hơn cả, đối với một cô gái đã dành trọn 5 năm thanh xuân để tôi luyện bản thân ở USTH, việc chọn Queen’s còn có ý nghĩa quan trọng hơn. “Khi biết mình là sinh viên đầu tiên của USTH sang Queen’s (Canada), mình thấy được trách nhiệm và sự thử thách của “người tiên phong”. Đó là lí do mình chọn Canada thay vì các học bổng châu Âu khác” – Đào nhấn mạnh.
Chúc Anh Đào sẽ gặt hái thêm nhiều thành công và tận hưởng những trải nghiệm tuyệt vời trên hành trình tiếp theo tại Canada nhé!