Với tấm bằng loại “ưu,” Hoàng Anh Tuấn, sinh viên ngành Hóa học của Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), đã xuất sắc nhận được học bổng tiến sĩ toàn phần tại Đại học Bang Bắc Carolina (North Carolina State University) – một trong những trường đại học danh tiếng của Mỹ về đào tạo khoa học công nghệ và kỹ thuật.
Lựa chọn bến đỗ cho đam mê
Đối với nhiều người, Hóa học có thể là một ngành học khó và phức tạp, nhưng đối với Hoàng Anh Tuấn, đây lại là một niềm đam mê mãnh liệt từ thời thơ ấu. Tuấn chia sẻ: “Hóa học thực sự là một điều rất đặc biệt với mình. Ngành học này không chỉ mang đến cho mình cơ hội, mà còn là niềm đam mê, người bạn đồng hành theo mình suốt quá trình học tập từ nhỏ đến lớn.”
Chính vì sự đam mê này, khi đứng trước lựa chọn về ngôi trường đại học, Tuấn đã không ngần ngại chọn Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) làm điểm đến cho hành trình chinh phục tri thức. Từ những ngày đầu bỡ ngỡ đến khi cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp loại xuất sắc, Tuấn luôn vững tin vào sự lựa chọn của bản thân: “Tại USTH, mình được học tập và làm việc với các thầy cô có trình độ chuyên môn sâu rộng và lòng nhiệt thành lớn đối với sinh viên. Trường cũng sở hữu điều kiện nghiên cứu ít thấy ở Việt Nam.” Đối với Tuấn, USTH không chỉ là một nơi học tập mà còn là nơi giúp bạn phát triển và thực hiện ước mơ của mình.
Sự phát triển toàn diện tại USTH
Một trong những điều khiến USTH khác biệt chính là sự kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành. Trong suốt quá trình học tập, sinh viên không chỉ được trang bị những kiến thức lý thuyết sâu sắc mà còn có cơ hội vận dụng những điều đã học thông qua các buổi thí nghiệm và dự án nghiên cứu. Điều này giúp sinh viên không chỉ nắm vững kiến thức mà còn thành thạo các kỹ năng làm việc thực tiễn, một yếu tố quan trọng để thành công trong ngành Hóa học đầy thách thức.
Tuấn chia sẻ: “Quá trình nghiên cứu tại USTH được chia ra làm hai giai đoạn chính. Giai đoạn đầu tiên là làm quen với phòng thí nghiệm, diễn ra từ năm 2 đến giữa năm 3. Giai đoạn này giúp mình có những trải nghiệm đầu tiên trong việc tiếp cận và sử dụng các thiết bị nghiên cứu hiện đại. Giai đoạn hai là quá trình thực tập tốt nghiệp kéo dài 3 tháng vào cuối khóa. Đây là lúc mình thực sự tham gia vào một dự án nghiên cứu thực tế, từ đó hoàn thành báo cáo tốt nghiệp.”
Việc kết hợp giữa học tập và thực hành không chỉ giúp Tuấn tích lũy thêm kiến thức mà còn nâng cao khả năng tư duy phân tích và giải quyết vấn đề. “Khi được thực sự làm một nghiên cứu từ đầu đến cuối, mình cảm nhận rõ sự phát triển của bản thân về cả kỹ năng nghiên cứu lẫn khả năng làm việc nhóm, quản lý thời gian,” Tuấn cho biết. Đây chính là những kỹ năng mà bạn sẽ tiếp tục phát huy trong tương lai, khi bước vào chương trình tiến sĩ tại North Carolina State University.
Mặc dù chương trình học tại USTH có khối lượng kiến thức lớn và yêu cầu cao, Tuấn vẫn biết cách duy trì sự cân bằng giữa học tập và các hoạt động ngoại khóa. Tuấn hài hước cho biết: “Thú thật, mình là người khá ham chơi, thích tham gia các hoạt động bên ngoài. Tuy nhiên, thời gian ở USTH trôi qua rất nhanh và bận rộn, điều này buộc mình phải tập trung hơn vào việc học. Dẫu vậy, mình vẫn cố gắng tham gia các câu lạc bộ và hoạt động xã hội, để giúp bản thân giảm bớt căng thẳng và phát triển các kỹ năng mềm,” Tuấn chia sẻ.
Tầm quan trọng của sự chuẩn bị và chiến lược học tập
Về bí quyết để đạt kết quả cao trong học tập, Tuấn cho rằng việc tự xây dựng chiến lược học tập và kế hoạch rõ ràng là một trong những yếu tố quan trọng nhất. “Với chương trình học 3 năm tại USTH, năm nhất là thời điểm khối lượng kiến thức còn nhẹ, đây là thời gian mà các bạn sinh viên nên dành để trau dồi thêm các kỹ năng khác như ngoại ngữ, giúp giảm tải cho các năm học tiếp theo,” Tuấn chia sẻ.
Bên cạnh đó, Tuấn cũng khuyến khích các sinh viên tìm hiểu về phòng thí nghiệm từ sớm, để làm quen với môi trường nghiên cứu: “Năm thứ 2 sẽ là thời điểm thích hợp để bắt đầu làm quen với công việc trong phòng thí nghiệm. Những kỹ năng tích lũy trong giai đoạn này sẽ trở thành nền tảng quan trọng để các bạn nghiên cứu hiệu quả, và đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thực tập cuối khóa.”
Để “chiến thắng” thách thức trong quá trình học, Tuấn cho rằng với bất kỳ một lĩnh vực, bao gồm cả Hóa học, muốn đi sâu và thực sự nghiêm túc đều có giai đoạn phải đối mặt với khó khăn. “Tuy nhiên, khó khăn cũng mang trong mình vẻ đẹp riêng. Khó khăn càng lớn thì thành công nó mang lại càng tạo ra nhiều niềm vui. Và cái cảm giác thành tựu đó khiến cho chúng ta cảm thấy đáng giá,” Tuấn tâm sự.
Ngoài ra, Tuấn cũng khuyên các bạn sinh viên nên tận dụng năm nhất để tham gia vào các câu lạc bộ và hoạt động ngoại khóa, khi khối lượng bài vở chưa quá nặng. Đến năm 2 và năm 3, khi áp lực học tập tăng cao, sinh viên có thể dành nhiều thời gian hơn cho việc nghiên cứu và hoàn thiện kiến thức chuyên môn.
Học bổng tiến sĩ và những bước đi mới
Đam mê và kế hoạch học tập rõ ràng đã trở thành “trợ thủ” đắc lực để Tuấn gặt hái nhiều thành tích cao trong 3 năm gắn bó với USTH, tiêu biểu như liên tiếp nhận học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên xuất sắc, học bổng thực tập, học bổng Odon Vallet. Gần đây nhất, Tuấn nhận được tin vui khi trở thành chủ nhân của suất học bổng tiến sĩ của Đại học Bang Bắc Carolina (North Carolina State University). Học bổng mà Tuấn nhận được bao gồm 100% học phí, bảo hiểm, chi phí đi lại và sinh hoạt phí – một điều kiện tuyệt vời để bạn tập trung hoàn toàn vào việc học tập và nghiên cứu tại xứ sở cờ Hoa.
Tuấn vẫn giữ một tinh thần khiêm tốn và cởi mở với những thử thách phía trước. Tuấn cho rằng, việc học tiến sĩ không chỉ là để tích lũy kiến thức mà còn là cơ hội để phát triển bản thân. “Bước vào chương trình học tiến sĩ, mình giống như một newbie bắt đầu tìm hiểu về một lĩnh vực mới. Do đó, mình dự định sẽ cố gắng học tập và tích lũy kinh nghiệm nghiên cứu nhiều nhất trong thời gian 5 năm để chuẩn bị một nền tảng tốt nhất cho những kế hoạch tiếp theo,” Tuấn chia sẻ.
Cảm ơn Tuấn về những chia sẻ thú vị. Chúc Tuấn thành công trên con đường sắp tới.