Các nhà khoa học của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) tham gia chuyến khảo sát Hải dương học hỗn hợp Pháp – Việt Nam ở vùng biển ven bờ Việt Nam bằng tàu nghiên cứu biển ANTEA trong khuôn khổ hợp tác nghiên cứu giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện nghiên cứu Phát triển Pháp (Research Institute for Development – IRD).
Chuyến Khảo sát Hải dương học hỗn hợp Việt – Pháp trong vùng biển ven bờ Việt Nam, sử dụng tàu nghiên cứu khoa học ANTEA khởi hành tại cảng Hải Phòng từ ngày 28/5/2024. Chuyến khảo sát bắt đầu tại vùng biển Hải Phòng – Quảng Ninh và sẽ kết thúc tại vùng biển Trà Vinh – Sóc Trăng.
Đây là hoạt động khoa học trong khuôn khổ dự án “Nghiên cứu vận chuyển vật chất từ lục địa và ảnh hưởng của chúng đến môi trường, các hệ sinh thái vùng biển ven bờ Việt Nam”, gọi tắt là PLUME (Particle transport along river plumes and their impact on coastal ecosystems of Vietnam) do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp (IRD) hợp tác thực hiện.
Dự án có nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá các quá trình vật lý biển, trầm tích, các quá trình sinh – địa – hóa và quang học ở vùng cửa sông ven biển, qua đó làm rõ ảnh hưởng của dòng vật chất vận chuyển từ lục địa (river plume) đến môi trường và các hệ sinh thái vùng biển ven bờ Việt Nam.
Tham gia chuyến khảo sát PLUME có 16 nhà khoa học tới từ các phòng thí nghiệm của Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp và 18 nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trong đó có các nhà nghiên cứu đến từ Khoa Nước- Môi trường- Hải dương học và Khoa Khoa học sự sống của USTH.
Trong khuôn khổ dự án nghiên cứu, nhóm nghiên cứu của USTH gồm TS. Bùi Văn Hợi, TS. Vũ Cẩm Tú, TS. Nguyễn Quang Huy, TS. Nguyễn Thanh Hiền, và TS. Lê Thị Thu Hằng sẽ xây dựng các phương pháp phân tích phù hợp để đánh giá hàm lượng các hợp chất hydrocacbon đa vòng thơm (PAHs), hàm lượng carbon đen hòa tan (Dissolved Black Carbon) trong nước và trầm tích tại các vùng cửa sông và biển ven bờ Việt Nam. Bên cạnh đó, các nhà khoa học của USTH cũng sẽ nghiên cứu sự phân bố đa dạng của các sinh vật chỉ thị (meiofauna), sự xuất hiện của các chủng vi khuẩn kháng thuốc tại các vùng nước biển ven bờ.
Chuyến khảo sát Hải dương học hỗn hợp Pháp – Việt Nam này là hoạt động hướng đến kỷ niệm 25 năm quan hệ hợp tác giữa VAST và IRD, đồng thời cũng là một sự kiện lớn trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 80 năm thành lập IRD.
Với các nhà khoa học của USTH, tham gia chuyến khảo sát lần này và chủ động đề xuất các nội dung nghiên cứu đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc về mặt khoa học, đồng thời thể hiện tinh thần phụng sự, quyết tâm nghiên cứu các vấn đề khoa học thách thức nhưng rất cần thiết cho sự phát triển bền vững của đất nước.
ANTEA là tàu nghiên cứu khoa học cỡ nhỏ, thuộc Hạm đội tàu Hải dương học Pháp (French Oceanographic Fleet) với chiều dài khoảng 35m, chiều rộng khoảng 11,9m và di chuyển với vận tốc khoảng 18,5km/h.
Tàu ANTEA được trang bị các thiết bị đo nhanh thế hệ mới nhất (ADCP, CTD, SIMRAD, SBE21-38, …) và các phương tiện lấy mẫu hiện đại. Trên tàu có 02 phòng thí nghiệm chuyên ngành (Hải dương học, Môi trường và đa dạng sinh học biển), có chỗ làm việc cho 10 nhà khoa học cùng 13 thủy thủ đoàn. |