Trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) và Viện hàn lâm Khoa học Czech, TS. Jan Prikryl và ThS. Vladimir Jonas đến từ Viện hóa phân tích Brno đã có chuyến thăm và làm việc trong thời gian 22/08/2022-15/09/2022 với nhóm nghiên cứu về Vi cảm biến (SENS) của TS. Vũ Thị Thu và các cộng sự tại trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội.
TS. Jan Prikryl và ThS. Vladimir tại Việt Nam
Viện hóa phân tích Brno (http://www.iach.cz/en/) được thành lập từ năm 1956, có bề dày kinh nghiệm trong phát triển các hệ phân tích hóa sinh (chủ yếu là các hệ sắc kí khí, sắc kí lỏng, điện di) và tích hợp các hệ phân tách với các hệ đo đạc (ví dụ như khối phổ). Các nghiên cứu về các vi thiết bị phân tích mà ở đó các hệ vi lưu với kích thước cỡ mm tới cm được sử dụng để thực hiện các phân tích theo thời gian thực với kích thước nhỏ gọn đã được đưa vào chiến lược phát triển của Viện kể từ năm 2001. Đây là một trong những đơn vị nghiên cứu đi đầu trên thế giới về hệ vi lưu điện di mao quản.
Hệ vi lưu ứng dụng trong phân tích tế bào
GS. Frantisek Foret, TS. Anna Tycova, TS. Jan Prikryl và các cộng sự đã và đang xây dựng các hệ vi lưu điện di mao quản tích hợp với cảm biến SERS ứng dụng trong phân tích vết dược phẩm giảm đau non-steroid (NSAID) (ví dụ như diclofenac) trong môi trường nước. Cấu tử điện di mao quản cho phép phân tách đối tượng đo khỏi môi trường mẫu phức tạp, trong khi cảm biến SERS cho phép phân tích nhanh đối tượng này ngay sau khi phân tách. Đặc biệt, các hạt nano kim loại được đưa vào vi hệ ở dạng keo thay vì cố định lên bề mặt kênh, do đó các vi hệ đã phát triển có thể tái sử dụng, và cũng tránh được hiệu ứng nhớ mẫu “memory effect” trên cảm biến.
Hệ vi lưu điện di mao quản tích hợp cảm biến SERS