Ngày 19/05/2023, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) đã có buổi làm việc với đại diện Công ty Dược phẩm RPM Nhật Bản về kế hoạch hợp tác trong thời gian tới.
Tham gia buổi làm việc, về phía USTH có TS. Nguyễn Quang Huy – Phó Trưởng khoa Khoa học Sự sống, TS. Nguyễn Thị Kiều Oanh – Phó Trưởng khoa Khoa học Sự sống, TS. Trần Thị Thu Phương – Giảng viên khoa Khoa học Sự sống, Cô Đinh Thị Hương Giang – Cán bộ Phòng Hợp tác quốc tế; về phía RPM có Ông Takahiro Yoshida – Giám đốc Công ty RPM Nhật Bản, Bà Nguyễn Thị Thơm – Trợ lý Hành chính Công ty OS Việt Nam, Ông Junichiro Kanda – Cán bộ điều hành Tập đoàn ITM Nhật Bản.
Buổi làm việc bắt đầu bằng phần giới thiệu tổng quan của hai bên. Về phía Công ty Dược phẩm RPM Nhật Bản, đây là Doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu, phát triển thuốc, đánh giá hiệu quả và đánh giá thành phần thuốc. Về phía USTH, Trường là trường đại học công lập của Việt Nam với sứ mệnh cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học và công nghệ, trở thành trường đại học định hướng nghiên cứu xuất sắc tại Việt Nam. Với mục tiêu trở thành một trường đại học chuẩn quốc tế, USTH cần xây dựng mối quan hệ bền chặt với các trường đại học, tổ chức và doanh nghiệp trong nước và quốc tế tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Khoa Khoa học Sự sống là một trong những Khoa thành lập đầu tiên của USTH, chương trình cử nhân Công nghệ sinh học – Phát triển thuốc và Thạc sĩ Công nghệ sinh học: Thực vật – Y sinh – Dược học của Khoa được cấp chứng nhận đạt chuẩn quốc tế của cơ quan kiểm định Hội đồng đánh giá nghiên cứu giáo dục đại học và viện nghiên cứu Pháp (HCERES).
Cũng trong khuôn khổ của buổi làm việc, TS. Nguyễn Thị Kiều Oanh – Phó Trưởng khoa Khoa học Sự sống (USTH) đã chia sẻ về kế hoạch mở ngành ngành Dược học của Trường, đồng thời nhấn mạnh buổi gặp gỡ với Công ty dược phẩm RPM Nhật Bản là cơ hội trao đổi triển vọng cho cả giảng viên và sinh viên của Khoa. Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Quang Huy – Phó Trưởng khoa Khoa học Sự sống (USTH) đã giới thiệu về các lĩnh vực nghiên cứu hiện tại liên quan y, dược của khoa Khoa học Sự sống như: nghiên cứu chống đông máu, các bệnh di truyền, rối loạn chuyển hoá, công nghệ sinh học,… và khẳng định Khoa và Công ty RPM có thể hợp tác trong những dự án nghiên cứu chung trong tương lai.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Ông Takahiro Yoshida – Giám đốc Công ty RPM Nhật Bản đánh giá cao sinh viên USTH, trong có các bạn sinh viên theo học về lĩnh vực Y khoa, Phát triển thuốc và mong muốn đưa sinh viên USTH tới Nhật Bản làm việc. Về kế hoạch hợp tác trong tương lai, phía Công ty đề xuất hỗ trợ đào tạo tiếng Nhật cũng như văn hoá Nhật Bản cho sinh viên nhằm chuẩn bị cho quá trình sang Nhật học tập và làm việc. Công ty RPM Nhật Bản cũng mong muốn hợp tác cùng Khoa Khoa học Sự sống (USTH) trong nghiên cứu phát triển thuốc và thử nghiệm lâm sàng.
Trên tinh thần nhất trí của cả hai bên, TS. Nguyễn Quang Huy – Phó Trưởng khoa Khoa học Sự sống (USTH) đã đề xuất một số hình thức hợp tác để mở rộng quan hệ giữa USTH và Công ty Dược phẩm RPM Nhật Bản. Đầu tiên, TS. Nguyễn Quang Huy đề xuất việc phối hợp đào tạo và tiếp nhận sinh viên thực tập từ USTH tại Công ty RPM. Điều này nhằm tăng cường hợp tác giữa USTH và khối doanh nghiệp, đồng thời cung cấp cho sinh viên cơ hội thực tập trong môi trường doanh nghiệp. Đặc biệt, USTH mong muốn Công ty có thể cử chuyên gia sang đào tạo và hướng dẫn cho sinh viên của Trường. Thứ hai, USTH cam kết góp phần kết nối Công ty RPM với các viện nghiên cứu và bệnh viện tại Việt Nam. Qua đó, tạo điều kiện cho việc hợp tác nghiên cứu và phát triển thuốc mới tại Việt Nam. Sự kết hợp giữa nguồn lực và chuyên môn của USTH cùng với kinh nghiệm và sự chuyên sâu của Công ty RPM sẽ tạo nên một môi trường đầy triển vọng để thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực này.
Kết thúc buổi gặp gỡ, đại diện USTH và Công ty RPM Nhật Bản đều nhất trí cao với những đề xuất hợp tác ban đầu, đồng thời bày tỏ mong muốn xây dựng, phát triển mối quan hệ hợp tác lâu dài và kỳ vọng vào sự thành công của các dự án trong tương lai. Hai bên mong đợi thảo luận chi tiết thêm trong các cuộc họp sắp tới và hy vọng có thể sớm ký kết Biên bản ghi nhớ.