Ngày 12/05/2022, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) đã có buổi làm việc với đại diện Công ty Công nghệ Phần mềm Toàn cầu Bosch về kế hoạch hợp tác trong thời gian tới.
Tham gia buổi làm việc, về phía USTH có GS. Jean-Marc Lavest, Hiệu trưởng chính, TS. Luc Le Calvez, Trưởng ban Nghiên cứu, Đổi mới và Chuyển giao Công nghệ, PGS.TS. Trần Đình Phong, Đồng Trưởng ban Nghiên cứu, Đổi mới và Chuyển giao Công nghệ, TS. Trần Giang Sơn, Phó Trưởng khoa Công nghệ Thông tin và Truyền thông, TS. Dương Việt Anh, Giảng viên Khoa Năng lượng, Bà Phạm Thị Thanh Nga, Trưởng phòng Công tác Sinh viên, Bà Nguyễn Quỳnh Mai, Trưởng Phòng Tổ chức Cán bộ, Bà Nguyễn Phượng Nhi, Cán bộ Phòng Hợp tác Quốc tế, về phía Công ty Công nghệ Phần mềm Toàn cầu Bosch, có Ông Dattatreya Gaur, Giám đốc điều hành, Ông Sathyanarayana T K, Giám đốc vận hành, Bà Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng phòng Nhân sự, Bà Nguyễn Hải Lý, Nhân sự đối tác chiến lược kinh doanh, Ông Trần Hiếu, Kỹ sư quản lý, Ông Trịnh Thanh Hải, Kỹ sư quản lý, Bà Trần Như Phụng – Chuyên viên cấp cao về thu hút nhân tài.
Mở đầu buổi làm việc là các phần trình bày giới thiệu về USTH và Công ty Công nghệ Phần mềm Toàn cầu Bosch. USTH là trường đại học công lập của Việt Nam với sứ mệnh cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học và công nghệ, trở thành trường đại học định hướng nghiên cứu xuất sắc tại Việt Nam. Trường được hỗ trợ mạnh mẽ bởi Chính phủ Pháp thông qua Liên minh gồm hơn 30 trường đại học và tổ chức nghiên cứu tại Pháp. Với mục tiêu trở thành một trường đại học chuẩn quốc tế, USTH cần xây dựng mối quan hệ bền chặt với các trường đại học, tổ chức và doanh nghiệp trong nước và quốc tế tại Việt Nam và trên toàn thế giới.
Là một trong những công ty hàng đầu về phát triển công nghệ phần mềm, Công ty Công nghệ Phần mềm Toàn cầu Bosch tại Việt Nam hiện có hơn 2.600 kỹ sư trình độ cao đang phát triển các sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực công nghệ ô tô, công nghệ trong công nghiệp và hàng tiêu dùng cho các doanh nghiệp trên toàn cầu, bao gồm cả khu vực Đông Á và Đông Nam Á.
Với mong muốn tiếp tục đóng góp cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công ty đang nghiên cứu tái đào tạo và nâng cao kỹ năng cho đội ngũ nhân lực nhằm thực hiện các dự án có độ phức tạp cao. Công ty đã và đang tích cực tuyển dụng tài năng trẻ trong nước, đặc biệt là các sinh viên xuất sắc mới tốt nghiệp từ các trường đại học hàng đầu trong các lĩnh vực: Quản lý dữ liệu và phân tích công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI / ML), công nghệ đám mây, UX – trải nghiệm người dùng, bảo mật mạng, nền tảng thích ứng AUTOSAR / VRTE – lái xe tự động, và các công nghệ mới của tương lai.
Cũng trong buổi họp, TS. Trần Giang Sơn, Phó Trưởng khoa Công nghệ Thông tin và Truyền thông và TS. Dương Việt Anh, Giảng viên Khoa Năng lượng, đã giới thiệu về chương trình đào tạo của hai khoa và thế mạnh của sinh viên. Sinh viên USTH không chỉ có kiến thức và kỹ năng chuyên ngành mà còn có khả năng tiếng Anh tốt và được nhiều công ty đánh giá cao. Đặc biệt sinh viên khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông và khoa Năng lượng có thể làm việc ở nhiều vị trí khác nhau trong nhiều lĩnh vực với mức lương tốt sau khi tốt nghiệp.
Về kế hoạch hợp tác với USTH, Công ty Công nghệ Phần mềm Toàn cầu Bosch mong muốn đưa những sinh viên mới tốt nghiệp vào hệ sinh thái của công ty, đào tạo và khiến họ tin rằng Bosch là công ty mà họ muốn gắn bó mãi mãi. Bosch nhận thấy khoảng cách giữa đào tạo ở trường lớp và khi ra làm việc thực tế; do đó, họ muốn tiết kiệm thời gian và giúp sinh viên sẵn sàng làm việc bằng cách cung cấp các khóa đào tạo thực tế tại công ty, đặc biệt là về công nghệ thông tin và năng lượng. Ngoài ra, phía công ty đề xuất rằng họ có thể tài trợ các học bổng ngắn hạn cho sinh viên USTH và tổ chức một số cuộc thi để có cơ hội tiếp cận các tài năng của trường. Đồng thời, Công ty Công nghệ Phần mềm Toàn cầu Bosch cũng muốn trở thành đối tác thực tập của USTH.
Thay mặt USTH, GS Jean-Marc Lavest, Hiệu trưởng chính, đồng ý với Công ty Công nghệ Phần mềm Toàn cầu Bosch về việc hợp tác trong các chương trình đào tạo thực tế, thực tập và các hoạt động khác. Giáo sư cũng gợi ý rằng Bosch có thể cử các cán bộ giàu kinh nghiệm đến USTH để giảng dạy trong một số buổi học hoặc hội thảo, đồng thời, công ty có thể đầu tư vào các phòng thí nghiệm và trang thiết bị phục vụ nghiên cứu của USTH. Ngoài ra, USTH và Bosch có thể tham gia các dự án nghiên cứu chung để tận dụng được thế mạnh của nhau.
Kết thúc buổi làm việc, đại diện của USTH và Công ty Công nghệ Phần mềm Toàn cầu Bosch đều nhất trí với những đề xuất hợp tác ban đầu và bày tỏ mong muốn xây dựng và phát triển mối quan hệ hợp tác lâu dài và kỳ vọng vào sự thành công của các dự án trong tương lai. Cả hai đều mong đợi thảo luận thêm vào các cuộc gặp sắp tới và hy vọng sẽ sớm ký được Biên bản ghi nhớ.