Ngày 10/06/2024, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) đã tổ chức Buổi bảo vệ luận án tiến sĩ cho Nghiên cứu sinh Vũ Thị Tuyết Hồng, chuyên ngành Năng lượng. NCS đã bảo vệ thành công đề tài luận án tiến sĩ: “Sử dụng internet vạn vật để mô hình hóa năng lượng và điều khiển tối ưu cho tòa nhà”
Đề tài được hướng dẫn khoa học bởi TS. Nguyễn Đình Quang – Viện Khoa học Công nghệ Năng lượng và Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và GS. Benoit Delinchant – Đại học Grenoble Alpes (Pháp).
Buổi bảo vệ có sự tham gia của 5/5 thành viên Hội đồng, gồm:
- PGS. TS. Trần Thanh Sơn, Trường Đại học Điện lực, Chủ tịch Hội đồng;
- PGS.TS. Nguyễn Đức Tuyên, Đại học Bách khoa Hà Nội, Phản biện;
- GS. Chong Zhun Min, Đại học Quốc gia Singapore (Singapore), Phản biện;
- TS. Hoàng Trung Kiên, USTH, Ủy viên;
- TS. Phạm Xuân Tùng, USTH, Ủy viên, Thư ký.
Tại buổi bảo vệ, NCS Vũ Thị Hồng Tuyết đã trình bày những kết quả nghiên cứu đạt được của luận án trước Hội đồng.
Theo NCS Vũ Thị Hồng Tuyết, các tòa nhà là đối tượng tiêu dùng quan trọng nhất (chiếm 34% tổng mức tiêu thụ năng lượng cuối và 37% lượng khí thải CO₂.của thế giới vào năm 2021). Ngành xây dựng công trình có tốc độ tăng trưởng cao (diện tích sàn tăng trên 23% từ năm 2010 đến nay). Ngoài ra, chúng ta đang phải đối mặt với sự gia tăng nhanh dân số, dẫn tới thiếu nguồn cung cấp năng lượng. Để phát triển bền vững, các tòa nhà phải sử dụng các phương pháp tiết kiệm chi phí và nguồn năng lượng thân thiện với môi trường hướng tới các Tòa nhà sử dụng năng lượng tiệm cận không và gần như không phát thải CO₂..
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về năng lượng mặt trời. Các dự án năng lượng mặt trời gần đây đã có tốc độ phát triển nhanh chóng nhờ các chính sách năng lượng mới của Chính phủ. Trong năm 2019-2020, tổng công suất lắp đặt điện của các dự án điện mặt trời gấp hơn 19 lần quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của các dự án điện mặt trời kéo theo một số rủi ro liên quan đến hệ thống điện mất ổn định và lưới truyền tải quá tải. Kết quả là Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải cắt giảm một phần sản lượng điện mặt trời trên lưới điện quốc gia, do đó đã làm giảm lợi ích của nhà đầu tư.
Bài học rút ra từ các nước khu vực Châu Âu cho thấy quản lý hiệu quả năng lượng trong các tòa nhà có hệ thống điện mặt trời áp mái có thể giúp vượt qua những thách thức này. Tuy vậy, nhiệm vụ kiểm soát và chi phí vận hành vẫn là thách thức đối với việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong thực tế.
Nghiên cứu này đề xuất triển khai các nền tảng IoT chất lượng, chi phí thấp để quản lý hiệu quả năng lượng của tòa nhà và chia sẻ giải pháp khả thi để sử dụng nền tảng này cho các nghiên cứu về chủ đề năng lượng của tòa nhà. Các mô hình năng lượng đã được tính toán để mô phỏng và thử nghiệm. Các thuật toán điều khiển bền vững được áp dụng để tối ưu hóa khả năng tự tiêu dùng và hóa đơn tiền điện trong các tòa nhà. Các nghiên cứu được thực hiện ở Pháp và Việt Nam.
Hội đồng đánh giá cao các kết quả nghiên cứu của NCS Vũ Thị Tuyết Hồng, là công trình khoa học có ý nghĩa thực tiễn cao, không chỉ góp phần tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí vận hành và bảo trì các tòa nhà, mà còn giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững. Hội đồng chấm luận án đã họp kín và bỏ phiếu, với kết quả 5/5 phiếu tán thành.
Tại buổi bảo vệ, NCS Vũ Thị Hồng Tuyết đã gửi lời tri ân sâu sắc tới sự hướng dẫn tận tình của TS. Nguyễn Đình Quang và GS. Benoit Delinchant, sự hỗ trợ của thầy cô tại USTH cùng sự đồng hành và chia sẻ từ gia đình, người thân và bạn bè trong suốt quá trình triển khai nghiên cứu. Chính những điều này đã trở thành động lực to lớn để NCS vượt qua khó khăn và bảo vệ luận án thành công.
Thay mặt Hội đồng, PGS. TS. Trần Thanh Sơn chúc mừng NCS Vũ Thị Hồng Tuyết đã thành công bảo vệ luận án tiến sĩ và chúc NCS. Vũ Thị Hồng Tuyết gặt hái nhiều thành công trên con đường sự nghiệp tương lai.
Một số hình ảnh của buổi bảo vệ: