Ngày 22/01/2024, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) đã tổ chức Buổi bảo vệ luận án tiến sĩ cho Nghiên cứu sinh Lê Thị Liễu, chuyên ngành Công nghệ Sinh học, Nông, Y, Dược. NCS đã bảo vệ thành công đề tài luận án tiến sĩ: “Nghiên cứu cấu trúc quần thể và tiến hóa của nấm đạo ôn lúa Magnaporthe oryzae trong điều kiện nông nghiệp truyền thống và thâm canh ở Việt Nam. Ứng dụng lập bản đồ di truyền tính kháng bệnh đạo ôn M. oryzae trong các giống lúa ở Việt Nam”.
Đề tài được hướng dẫn khoa học bởi GS. TS. Lebrun Michel (Trường Đại học Montpellier, Pháp), và TS. Hoàng Thị Giang (Viện Di truyền Nông nghiệp)
Buổi bảo vệ có sự tham gia của 5/5 thành viên Hội đồng, gồm:
- PGS. TS. Eric Lacombe, Chủ tịch
- GS. TS. Trần Đăng Hòa, Phản biện 1
- PGS. TS. Lã Tuấn Nghĩa, Phản biện 2
- PGS. TS. Nguyễn Thùy Dương, Ủy viên
- TS. Lê Hồng Luyến, Ủy viên, Thư ký
Tại buổi bảo vệ, NCS Lê Thị Liễu đã trình bày những kết quả nghiên cứu đạt được của luận án trước Hội đồng.
NCS Lê Thị Liễu cho biết việc canh tác cây lúa tại Việt Nam hiện nay gặp phải nhiều điều kiện bất lợi, bao gồm các tác nhân sinh học và phi sinh học. Trong đó, bệnh đạo ôn do nấm Magnaporthe oryzae là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với canh tác cây lúa. Nhiều phương pháp được xây dựng để kiểm soát bệnh đạo ôn nhưng hiệu quả của các phương pháp đó vẫn còn hạn chế. Sự hiểu biết về sinh học quần thể, đa dạng di truyền và cấu trúc quần thể mầm bệnh là rất quan trọng để có kiến thức tốt hơn đối với sự xuất hiện của các kiểu gây bệnh mới, đối với sự sàng lọc và chọn giống kháng hiệu quả. Mặc dù vậy, mảng kiến thức này ở Việt Nam vẫn còn hạn chế. Do vậy, mục đích của nghiên cứu này nhằm thu hẹp khoảng trống thông tin về đa dạng di truyền, sinh học quần thể và cấu trúc của nấm Magnaporthe oryzae ở Việt Nam, sử dụng số lượng lớn mẫu quần thể và các chỉ thị phân tử đáng tin cậy, có thể so sánh với các nghiên cứu trước đó thực hiện trên phạm vi toàn cầu.
Tổng số 945 isolates đã được phân lập từ 123 mẫu bệnh. Trong đó, một bộ 655 isolates Magnaporthe oryzae đã được chọn ra để phân tích genotyping với 13 chỉ thị SSR. Tất cả 655 isolate đã phân tích di truyền được đánh giá giới tính và độ hữu thụ. Cả hai kiểu giới tính đều xuất hiện trong quần thể nấm đạo ôn ở Việt Nam, trong đó MAT1-2 chiếm ưu thế hơn. Giới tính của các isolate nấm cũng phân chia không đồng đều giữa các nhóm di truyền, nhưng tương đối đồng đều ở vùng miền núi phía Bắc, nơi mà cây lúa được canh tác xen kẽ giữa hai hệ thống truyền thống và thâm canh. Độ hữu thụ của quần thể nấm đạo ôn ở Việt Nam là thấp. Kết hợp kết quả phân tích sự phân bố giới tính, độ hữu thụ và liên kết chéo chúng tôi cho rằng sinh sản vô tính có thể xảy ra ở tất cả các nhóm, nhưng sinh sản hữu tính có khả năng xảy ra ít nhất ở một vài nơi thuộc vùng miền núi phía Bắc đối với các isolate thuộc nhóm liên quan tới các dòng tái tổ hợp đã công bố (dòng số 1). Kết quả nghiên cứu cho thấy một bức tranh về đa dạng di truyền và cấu trúc quần thể của nấm đạo ôn ở Việt Nam, có ý nghĩa khoa học để sàng lọc gen kháng ở các nguồn gen lúa Việt Nam. Một bộ chủng lõi bao gồm 45 chủng đại diện đã được chọn lọc, nhằm phục vụ các nghiên cứu sâu hơn.
Hội đồng đánh giá cao các kết của nghiên cứu của NCS Lê Thị Liễu, là công trình khoa học có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, được thực hiển chỉn chu và công phu. Hội đồng chấm luận án đã họp kín và bỏ phiếu, với kết quả 5/5 phiếu tán thành.
Tại buổi bảo vệ, NCS Lê Thị Liễu gửi lời tri ân tới các thầy cô hướng dẫn, các thầy cô tại USTH, gia đình, người thân và bạn bè đã luôn đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để NCS triển khai nghiên cứu và bảo vệ luận án thành công.
PGS.TS. Nguyễn Hải Đăng- Phó Hiệu trưởng USTH đã gửi lời chúc mừng tới NCS Lê Thị Liễu đã thành công bảo vệ luận án tiến sĩ và cảm ơn GS. TS. Lebrun Michel và TS. Hoàng Thị Giang đã tận tình hướng dẫn và hỗ trợ NCS Lê Thị Liễu trong suốt thời gian qua. PGS.TS. Nguyễn Hải Đăng chúc NCS Lê Thị Liễu tiếp tục tích cực nghiên cứu và gặt hái nhiều thành công trên con đường sự nghiệp sắp tới.
Một số hình ảnh trong buổi bảo vệ: