Bước vào giảng đường đại học khiến cho các tân sinh viên không khỏi lo lắng, bỡ ngỡ. Hãy cùng tìm hiểu những bí kíp giúp bạn có một khởi đầu thuận lợi trên chặng đường tương lai gắn bó với USTH sắp tới nhé.
1. Xây dựng kế hoạch học tập
Việc học tập tại đại học rất khác so với học ở trung học phổ thông, đòi hỏi sinh viên phải có ý thức chủ động và tự học cao, do đó, xây dựng kế hoạch học tập ngay từ kỳ học đầu tiên sẽ giúp bạn tập trung, định hướng rõ ràng hơn về lộ trình học tập của bản thân.
Bước vào năm đầu tiên ở USTH, không giống như các trường đại học khác, sinh viên sẽ không phải trải qua các môn chung, mà bắt đầu bước vào các môn học đại cương để sớm xây dựng nền tảng cho việc học các môn chuyên ngành. Vì vậy, nếu “chểnh mảng, buông lơi” trong những tháng khởi đầu quan trọng sẽ có thể khiến bạn thua thiệt về năng lực với những bạn bè cùng khóa.
Để có kế hoạch học tập rõ ràng, bạn cần xác định được mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, cũng như điểm mạnh, điểm yếu của bản thân. Bạn có thể bắt đầu bằng những mục tiêu nhỏ trong mỗi giờ học, mỗi môn học xa hơn là đến mỗi kỳ học rồi đến năm học.
Muốn xây dựng được một kế hoạch học tập rõ ràng, chắc chắn điều không thể thiếu đó là nắm được lịch học, lịch thi một cách rõ ràng, đồng thời xây dựng cho bản thân phương pháp học phù hợp, cân bằng giữa học tập và các hoạt động giải trí.
2. Tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp khó khăn
Chương trình đại học tại USTH kéo dài 3 năm, ngắn hơn so với các trường đại học khác tại Việt Nam từ 1-2 năm. Hơn nữa, tại Trường, các môn học đều được giảng dạy bằng tiếng Anh. Kiến thức, phương pháp giảng dạy khác biệt cùng với tiến độ học tập “gấp gáp” hơn ở THPT có thể khiến bạn cảm thấy lo lắng và khó bắt kịp với nhịp điệu mới. Nếu rơi vào tình trạng trên, bạn nên chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ từ thầy cô, bạn bè cùng lớp hay các anh chị khóa trên.
Những bí kíp “truyền miệng”, những lời động viên chân thành sẽ tiếp thêm cho bạn động lực để mau chóng vượt qua thử thách và bắt kịp tiến độ học tập chung. Thầy cô giáo tại USTH không chỉ là người hướng dẫn, mà còn là người bạn, đồng hành tin cậy của sinh viên.
3. Xây dựng phương pháp học tập phù hợp
Để học tốt không phải chỉ cần 1, 2 ngày mà đó là cả một quá trình cố gắng, chăm chỉ. Việc tìm ra phương pháp học tập phù hợp có ý nghĩa quan trọng, giúp sinh viên lĩnh hội kiến thức hiệu quả, tránh trường hợp dù đã rất cố gắng, cần mẫn nhưng cuối cùng kết quả học tập vẫn chưa tốt hoặc không được như mong muốn của nhiều bạn.
USTH áp dụng phương pháp giảng dạy lấy người học làm trung tâm, chú trọng phát triển tư duy phản biện, tính sáng tạo và chủ động của sinh viên. Để thích nghi nhanh với hoàn cảnh mới, bạn cần điều chỉnh dần phương pháp học tập, từ “bị động” tiếp nhận kiến thức sang “chủ động” tìm kiếm, lĩnh hội các kiến thức mới.
Chủ động chính là “vũ khí” quan trọng nhất giúp bạn thành công
Sau đây là một số tips bạn có thể áp dụng để gia tăng tính hiệu quả cho phương pháp học tập của mình:
– Tập trung nghe giảng trong giờ học, ghi chép các nội dung chính, trọng tâm của bài giảng. Nếu kiến thức khó hoặc nếu cảm thấy không bắt kịp bài giảng, bạn có thể ghi âm để về nhà nghe lại.
– Chủ động đặt câu hỏi và trao đổi với giảng viên về các vấn đề mình còn chưa hiểu hoặc thắc mắc.
– Tận dụng thế mạnh của “google” để tìm hiểu mở rộng, sâu hơn về các vấn đề mình đang học, không nên chỉ dựa vào tài liệu của giảng viên.
– Chủ động đề xuất để được tham gia vào các dự án nghiên cứu cùng thầy cô để tích lũy thêm kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm làm việc trong phòng thí nghiệm.
– Tích cực tham gia các seminar, hội thảo khoa học để bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và làm quen với các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực mình đang theo đuổi.
4. Mở rộng “vòng tròn” bạn bè
Thời sinh viên là một trong những quãng thời gian đẹp nhất của tuổi thanh xuân và nó sẽ càng trở nên ý nghĩa hơn nếu đồng hành bên cạnh có những người bạn cùng nhau học tập, cùng nhau vui chơi, cùng nhau vượt qua những ngày gian khó.
Những người bạn ngày hôm nay trong tương lai có thể trở thành đồng nghiệp, đối tác trên con đường sự nghiệp của bạn, do đó hãy mở lòng, làm quen với những người bạn mới.
5. Học hết sức, chơi hết mình
Các câu lạc bộ ngoại khóa không chỉ là nơi bạn thư giãn sau những giờ học căng thẳng mà còn là nơi để bạn thể hiện tài năng, đam mê và góp sức vào các chương trình tình nguyện vì cộng đồng. Hơn nữa, thông qua việc tham gia vào các hoạt động đậm chất “sinh viên” này, bạn sẽ học hỏi, rèn luyện những kỹ năng mềm hữu ích và tích lũy được những kinh nghiệm thực tế quý báu.
Hiện nay, USTH có nhiều Câu lạc bộ với nhiều hoạt động phong phú đa dạng như CLB bóng đá, bóng rổ, tình nguyện, âm nhạc, tâm lý học…Là một sinh viên mới, tham gia vào các câu lạc bộ cũng sẽ giúp bạn dễ dàng làm quen với các anh chị khóa trên, hòa nhập nhanh hơn vào môi trường mới.