Truyền thống đặt tên niên khóa sinh viên theo tên danh nhân đã có từ rất lâu tại nhiều Đại học lớn của Pháp. Với mong muốn xây dựng nét văn hóa đặc biệt này, USTH (còn được biết đến với tên gọi thân thương là Trường Đại học Việt-Pháp) chính thức phát động cuộc bầu chọn tên gọi phù hợp cho GEN 13.
Tại nhiều Đại học lớn của Pháp, mỗi khóa sinh viên được đặt một tên riêng. Truyền thống này đã trở thành niềm tự hào và khơi gợi nhiều giá trị văn hóa, lịch sử sâu sắc cho mỗi thế hệ người học. Đây cũng là cách để người học tưởng nhớ và tri ân các triết gia, nhà khoa học, nhà văn hóa, vv, những người đã có nhiều cống hiến lớn lao đối với nhân loại, với đất nước. Cựu tổng thống Pháp François Hollande (2012-2017) là học viên niên khóa 1978-1980 – Niên khóa Voltaire, của Học viện Hành chính Quốc gia Pháp.
Tại USTH, cho đến nay, mỗi khóa sinh viên được gọi bằng cụm từ : “Gen X” (trong đó X là số thứ tự của niên khóa tính từ khóa 1 nhập học năm 2010). Cách gọi này rất phổ biến trong hệ thống giáo dục đại học tại Việt Nam và cũng được sử dụng tại nhiều đại học trên thế giới.
Tuy nhiên, cộng đồng USTH luôn khát khao đổi mới, không ngừng tiếp nhận những nét đẹp trong hai nền văn hóa Việt – Pháp, xây dựng những giá trị văn hóa riêng của cộng đồng và truyền chúng cho những thế hệ tiếp theo.
Do đó, từ năm học này, USTH quyết định sẽ đặt tên cho mỗi niên khóa theo tên của một nhà khoa học, nhà văn hóa lớn của Việt Nam và Pháp. Tên gọi của niên khóa 2022-2025 sẽ là Gen 13 – AB (trong đó AB là tên một nhà khoa học, nhà văn hóa).
Để hiện thực hóa ý tưởng trên, USTH chính thức phát động cuộc bầu chọn GỌI TÊN GEN 13 trong toàn cộng đồng USTH.
Sự kiện này được kỳ vọng sẽ trở thành truyền thống hàng năm của USTH, là một hoạt động thể hiện trách nhiệm cũng như tinh thần hân hoan chào đón của cộng đồng USTH với mỗi thế hệ sinh viên mới gia nhập cộng đồng.
Thông tin cụ thể về cuộc bầu chọn như sau:
1. Đối tượng tham dự:
- Sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh đã hoặc đang theo học tại USTH
- Cán bộ, giảng viên, nhân viên đã hoặc đang công tác tại USTH
- Các giảng viên, nhà nghiên cứu, chuyên gia người Pháp đã hoặc đang công tác tại USTH
2. Nguyên tắc bầu chọn:
- Tên đặt cho mỗi niên khóa tại USTH (chỉ tính các chương trình đào tạo cử nhân) là tên của các nhà khoa học, nhà văn hóa Việt Nam hoặc Pháp; các khóa sẽ được đan xen đặt tên: 1 khóa đặt tên người Việt – 1 khóa đặt tên người Pháp.
- Đề xuất có số người bầu chọn cao nhất sẽ được đặt cho khóa GEN 13. Đề xuất tên người có quốc tịch khác đề xuất số 1 và có số bầu chọn cao hơn sẽ được đặt cho niên khóa tiếp theo: GEN 14. Các đề xuất mới sẽ được đưa ra bầu chọn cho các niên khóa GEN 15 và GEN 16.
3. Các đề xuất để bầu chọn tên gọi cho GEN 13:
- Chu Văn An: Tư nghiệp (Hiệu trưởng) Quốc Tử Giám
- Hoàng Thị Nga: Người phụ nữ Việt Nam đầu tiên nhận bằng Tiến sĩ tại Pháp năm 1935 (Đại học Paris – Luận án tiến sĩ: Tính chất quang điện của các chất hữu cơ)
- Marie Curie: Nhà Vật lý, nhà Hóa học kiệt xuất, đoạt 2 giải Nobel (giải Nobel Vật lý năm 1903 và giải Nobel Hóa học năm 1911)
- Joseph Fourier: Nhà Toán học và nhà Vật lý. Ông được biết đến với việc phát minh chuỗi Fourier, biến đổi Fourier và phát hiện ra hiệu ứng nhà kính
4. Link bầu chọn: https://forms.gle/jAd46DTie86HiUE77
5. Thời gian bầu chọn: 20/09 – 30/09/2022
6. Thời gian công bố kết quả bầu chọn: 01/10/2022
Đôi nét về 4 đề xuất bầu chọn cho niên khóa 2022 – 2025:
Thầy Chu Văn An nổi tiếng nghiêm khắc, trọng tài năng của học trò và ghét những người cậy giàu ham chơi. Học trò của ông có nhiều người giỏi, có công giúp nước như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, hai quan lớn của triều Trần. Ông được vua Trần Minh Tông mời ra làm Tư nghiệp (Hiệu trưởng) trường Quốc Tử Giám, trông coi việc học cho cả nước. Sinh thời, ông được dân chúng tôn là “Vạn thế sư biểu”, nghĩa là người thầy chuẩn mực muôn đời của Việt Nam.
Sau khi đỗ tú tài phần thứ nhất tại Việt Nam, bà sang Pháp học tú tài phần hai rồi vào học tại Viện Khoa học (Faculté des Sciences) ở Paris. Sau khi đỗ cử nhân khoa học, bà làm nghiên cứu tiến sĩ và bảo vệ luận án tiến sĩ vào ngày 19-3-1935, ở thời điểm mà số người có bằng đại học ở ta chỉ đếm được trên đầu ngón tay. TS. Hoàng Thị Nga không chỉ là nữ tiến sĩ “Tây học” đầu tiên mà còn là tiến sĩ ngành khoa học cơ bản đầu tiên của Việt Nam.
Marie Curie là nhà vật lý, nhà hóa học người Pháp gốc Ba Lan. Bà nổi tiếng với các công trình nghiên cứu về chất phóng xạ và hiện tượng phóng xạ. Bà là người phụ nữ đầu tiên và cũng là duy nhất trên thế giới tính đến nay hai lần được trao giải thưởng Nobel trong hai lĩnh vực khác nhau. Bà được suy tôn là nữ bác học xuất sắc nhất trên toàn thế giới.
Jean Baptiste Joseph Fourier là một nhà toán học và nhà vật lý người Pháp. Ông được biết đến với việc thiết lập chuỗi Fourier và những ứng dụng trong nhiệt học. Sau đó, biến đổi Fourier cũng được đặt tên để tưởng nhớ tới những đóng góp của ông. Trong lĩnh vực Vật lý, một đóng góp quan trọng của ông là phát hiện ra Hiệu ứng nhà kính vào năm 1824. Đó chính là vấn đề then chốt của Biến đổi khí hậu. Chính nhờ phát hiện ra Hiệu ứng nhà kính giúp nhân loại chủ động hơn trong cuộc chiến chống Biến đổi khí hậu. |