Ngày 25/04/2025, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) đã tổ chức buổi bảo vệ luận án tiến sĩ cho nghiên cứu sinh (NCS) Phạm Thị Khánh Linh, ngành Công nghệ Sinh học Nông, Y, Dược. NCS đã bảo vệ thành công đề tài: “Study on the genomics of the mitochondrial genome and ribosomal transcription units of some intestinal flukes in the family Echinostomatidae of the suborder Echinostomata”.
Đề tài được hướng dẫn khoa học bởi GS.TS. Lê Thanh Hòa và PGS. TS. Đồng Văn Quyền đến từ Viện Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trong đó PGS. TS. Đồng Văn Quyền là nguyên Đồng trưởng khoa Khoa học sự sống, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội giai đoạn 2014 – 2024 (được bổ nhiệm theo Quyết định số 248/QĐ-ĐHKHCN ngày 02/10/2014)
Buổi bảo vệ có sự tham dự của 7/7 thành viên Hội đồng, đều là các nhà khoa học giàu kinh nghiệm đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước, gồm:
- GS. TS. Nguyễn Lĩnh Toàn, Học viện Quân Y 103, Chủ tịch Hội đồng
- PGS. TS. Trương Đình Hoài, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Phản biện
- GS. TS. Nicolas Papon, Đại học Angers (Pháp), Phản biện
- PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Viện Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Phản biện
- PGS. TS. Kim Thị Phương Oanh, Viện Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Ủy viên
- TS. Nguyễn Quang Huy, USTH, Uỷ viên
- TS. Trần Thị Thanh Tâm, USTH, Ủy viên, Thư ký
Tại buổi bảo vệ, NCS Phạm Thị Khánh Linh đã trình bày kết quả nghiên cứu về đề tài “Study on the genomics of the mitochondrial genome and ribosomal transcription units of some intestinal flukes in the family Echinostomatidae of the suborder Echinostomata” (tạm dịch: Nghiên cứu gen học hệ gen ty thể và đơn vị mã hóa ribosome của một số sán lá ruột ở họ Echinostomatidae thuộc phân bộ Echinostomata”)

Nghiên cứu sinh đã thực hiện một công trình nghiên cứu chuyên sâu nhằm giải mã hệ gen ty thể và đơn vị mã hóa ribosome hoàn chỉnh hoặc gần hoàn chỉnh của một số loài sán lá ruột thuộc họ Echinostomatidae. Đây là nhóm ký sinh trùng gây bệnh echinostomiasis – một bệnh nhiễm trùng đường ruột phổ biến ở nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam, với hàng triệu người đã hoặc có nguy cơ nhiễm bệnh do ăn phải thực phẩm chưa được nấu chín kỹ như ốc, cua, cá hoặc tôm.
Luận án không chỉ có giá trị trong việc làm rõ đặc điểm di truyền và phân loại các loài sán lá ruột mà còn đóng góp thiết thực cho việc phát hiện, chẩn đoán và đánh giá khả năng gây bệnh của chúng. Các dữ liệu thu được từ nghiên cứu giúp cung cấp nền tảng vững chắc cho những nghiên cứu tiếp theo về tiến hóa loài, hệ gen đặc trưng và sự đa dạng di truyền trong phân bổ Echinostomata nói riêng và lớp Trematoda nói chung.
Hội đồng đánh giá cao chất lượng khoa học và tính thực tiễn của luận án. Các thành viên nhận định rằng nghiên cứu được thực hiện công phu, bài bản, ứng dụng hiệu quả các phương pháp hiện đại của sinh học phân tử trong phân tích hệ gen. NCS Phạm Thị Khánh Linh thể hiện rõ năng lực nghiên cứu độc lập, tư duy khoa học sắc bén và khả năng trình bày, bảo vệ luận điểm một cách thuyết phục.

Tại buổi bảo vệ, NCS Phạm Thị Khánh Linh bày tỏ sự tri ân sâu sắc tới GS. TS. Lê Thanh Hòa và PGS. TS. Đồng Văn Quyền – những người thầy đã tận tình định hướng và đồng hành xuyên suốt chặng đường nghiên cứu. NCS cũng ghi nhận sự hỗ trợ quý báu từ các đồng nghiệp của phòng Hóa sinh miễn dịch, phòng Thí nghiệm Trọng điểm Công nghệ lên men và Kỹ thuật cải biến sinh tổng hợp hoạt chất sinh học, Viện Sinh học. Đồng thời NCS đã bày tỏ sự trân trọng tới các giảng viên tại USTH, cùng tình cảm và sự động viên không ngừng nghỉ từ gia đình, người thân và bạn bè. Theo chia sẻ của NCS, chính sự đồng hành và tin tưởng ấy đã tiếp thêm động lực mạnh mẽ, giúp cô kiên trì theo đuổi đề tài và hoàn thành buổi bảo vệ một cách tốt đẹp.
Buổi bảo vệ khép lại, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hành trình nghiên cứu khoa học của NCS, đồng thời góp phần khẳng định chất lượng đào tạo tiến sĩ của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội trong lĩnh vực khoa học sự sống và công nghệ sinh học. Trong tương lai, NCS Khánh Linh dự kiến tiếp tục phát triển các hướng nghiên cứu về gen học ký sinh trùng, góp phần nâng cao hiệu quả chẩn đoán và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam và khu vực.
Một số hình ảnh đáng chú ý trong buổi bảo vệ: